Bệnh viêm não Nhật Bản lây truyền qua đường nào?

Viêm não Nhật Bản là một bệnh truyền nhiễm, cấp tính ở hệ thần kinh trung ương do virus viêm não Nhật Bản gây ra.

Bệnh có biểu hiện lâm sàng với hội chứng nhiễm trùng và rối loạn tri giác, dấu thần kinh khu trú, co giật. Bệnh để lại những di chứng nặng nề và tỷ lệ tử vong cao.

Mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với virus viêm não Nhật Bản đều có thể mắc bệnh. Ở nước ta tỷ lệ mắc bệnh cao nhất ở nhóm trẻ 5-9 tuổi. Chính vì vậy, việc phát hiện sớm dấu hiệu khi mắc là vô cùng quan trọng.

Bệnh viêm não Nhật Bản lây truyền qua đường nào?. Ảnh minh họa

Bệnh viêm não Nhật Bản lây truyền qua đường nào?. Ảnh minh họa

Viêm não Nhật Bản lây qua đường nào?

Bệnh viêm não Nhật Bản lây theo đường máu, do muỗi đốt hút máu động vật nhiễm virus rồi đốt người. Virus được truyền qua vết đốt của muỗi cái, từ tuyến nước bọt có chứa virus. Năm 1938 các nhà khoa học người Nhật Bản đã tìm ra vai trò truyền bệnh của loài muỗi có tên Culex Tritaeniorhynchus, sau đó xác định được vai trò vật chủ và ổ chứa chính của virus gây bệnh là loài lợn và chim.

Ở nước ta loài muỗi này có nhiều ở miền Bắc, xuất hiện nhiều vào những tháng mùa nóng, ban ngày sống trong các bụi cây ngoài vườn, đêm bay vào nhà hút máu gia súc và đốt người, thường vào thời điểm từ 18 đến 22h. Muỗi thích đẻ trứng trong ruộng lúa, mương.

Bệnh viêm não Nhật Bản không lây trực tiếp từ người sang người. Ăn uống chung, dùng chung đồ dùng hoặc tiếp xúc gần gũi với người bệnh cũng không làm lây nhiễm bệnh.

Theo nghiên cứu bệnh phổ biến từ tháng 5 đến tháng 7 là mùa muỗi hoạt động nhiều cũng là mùa chim đến ăn quả chín. Trong số các loài động vật sống gần người, lợn được coi là nguồn truyền nhiễm quan trọng nhất vì tỷ lệ lợn bị nhiễm virus viêm não Nhật Bản trong vùng dịch rất cao (khoảng 80% đàn), và phạm vi lợn nuôi tại các hộ gia đình rất lớn (hầu hết gia đình ở nông thôn ).

Triệu chứng của viêm não Nhật Bản

Hầu hết các ca nhiễm virus viêm não Nhật Bản đều có biểu hiện nhẹ với sốt và đau đầu hoặc không có triệu chứng rõ ràng nhưng có khoảng 1 trong 250 ca nhiễm có thể diễn tiến đến những bệnh cảnh lâm sàng nghiêm trọng.

Ở trẻ em, giai đoạn đầu đau dạ dày và nôn có thể là triệu chứng chủ yếu. Bệnh nặng được đặc trưng bởi sốt cao đột ngột, nhức đầu, cứng cổ, mất phương hướng, hôn mê, co giật, liệt cứng và cuối cùng là tử vong. Tỷ lệ tử vong có thể lên tới 30% trong số những người có biểu hiện triệu chứng bệnh. Trong số những người sống sót, 20 - 30% có các di chứng vĩnh viễn về trí tuệ, hành vi hoặc thần kinh như liệt, co giật tái phát hoặc không thể nói được.

Bệnh trải qua 4 giai đoạn, tùy từng giai đoạn mà bệnh có những biểu hiện riêng:

Giai đoạn ủ bệnh: Từ 5 - 15 ngày, trung bình là 1 tuần.

Giai đoạn khởi phát: Bệnh khởi phát với rất đột ngột với sốt cao 39 - 40 độ C, nhức đầu, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, cứng cổ, tăng trương lực cơ. Có thể thay đổi tính nết, kích thích, vật vã, ngủ gà, li bì, lú lẫn hoặc mất ý thức.

Giai đoạn toàn phát:

Sốt cao liên tục 39 - 40 độ hoặc hơn.

Kích động, cuồng sảng, tăng trương lực cơ kiểu ngoại tháp (co quắp, có trạng thái định hình, giữ nguyên tư thế). Tổn thương hệ thống tháp: Yếu liệt, liệt cứng, co giật - co cứng.

Rối loạn thần kinh thực vật: Vã nhiều mồ hôi, da lúc đỏ, lúc tái, tăng tiết đờm giải, nghe phổi có thể thấy nhiều ran rít, ran ngáy và cả ran nổ, mạch nhanh, huyết áp tăng.

Tổn thương dây thần kinh sọ não: Các dây vận nhãn (III,IV,VI), và dây VII.

Trong vòng 2 - 4 ngày bệnh nhân hôn mê sâu dần với rối loạn các chức năng sống và tử vong trong vòng 7 ngày, những bệnh nhân vượt qua được thời kỳ này thì tiên lượng tốt hơn.

Giai đoạn lui bệnh:

Từ tuần thứ 2 trở đi, nhiệt độ giảm dần. Bệnh nhân từ từ tỉnh lại nhưng không hoàn toàn hồi phục về tri giác mà vẫn còn những rối loạn tâm thần và tổn thương thần kinh khu trú kéo dài.

Những di chứng sớm có thể gặp như mất ngôn ngữ, liệt nửa người, múa giật, múa vờn, giảm trí nhớ nghiêm trọng, rối loạn phối hợp vận động, rối loạn tâm thần…

Những bệnh nhân hồi phục hoàn toàn khi xuất viện cần theo dõi trong nhiều năm mới có thể kết luận được di chứng của bệnh.

Điều trị viêm não Nhật Bản ở trẻ

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chủ yếu là điều trị triệu chứng. Thường các bác sĩ sẽ điều trị với nguyên tắc khi trẻ có các biểu hiện như: Điều trị suy hô hấp, sốc nếu có; Chống phù não nếu có; Điều trị biến chứng; Đảm bảo dinh dưỡng;Kháng sinh khi có chỉ định…Chính vì thế việc phòng ngừa là quan trọng nhất.

Do bệnh lây truyền qua trung gian muỗi Clulex Triaeniorhynchus đốt các động vật mang mầm bệnh sau đó lây truyền mầm bệnh sang người vì thế việc phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản quan trọng nhất cần phải diệt trung gian truyền bệnh.

Thực hiện nguyên tắc phòng bệnh cụ thể như:

Phòng chống muỗi đốt: ngủ màn, mặc quần áo dài tay, quần dài hạn chế muỗi đốt. Dùng các biện pháp trừ khử muỗi như: vệ sinh môi trường sinh sống, dùng thuốc trừ muỗi...

Nếu có nuôi lợn, chuồng chăn nuôi, trang trại cần đặt xa nhà, có biện pháp phòng ngừa muỗi đốt lợn vì lợn là nguồn súc vật mang mầm bệnh. Vệ sinh môi trường, chuồng trại sạch sẽ để muỗi không có nơi trú đậu.

Không nên cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc. Thường xuyên rửa tay với xà phòng, ăn chín, uống sôi.

Thực hiện tốt việc cách ly cũng như hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh.

Hiện nay đã có vaccin phòng ngừa viêm não Nhật Bản, cha mẹ cần tiêm phòng cho bé đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo của ngành y tế nhằm phòng ngừa hiệu quả nhất và an toàn cho bé.

Theo Đời sống
Nhiễm khuẩn huyết nguy hiểm sao?

Nhiễm khuẩn huyết nguy hiểm sao?

Mỗi năm, ít nhất 1,7 triệu người trưởng thành ở Mỹ bị nhiễm khuẩn huyết. Ít nhất 350.000 người lớn bị nhiễm khuẩn huyết tử vong trong thời gian nằm viện hoặc chuyển sang chăm sóc cuối đời. Vì vậy, cần biết về bệnh để phòng tránh.
back to top