Bệnh than và cách phòng tránh ai cũng nên biết

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Điện Biên cho biết vừa ghi nhận trường hợp thứ 14 mắc bệnh than, là bé T.T.Đ (SN 2021) địa chỉ tại xã Pú Xi, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.

Trước đó, trong vòng 9 ngày (từ 19 đến 27/5), cơ quan y tế tỉnh Điện Biên liên tục ghi nhận 3 ổ dịch bệnh than tại 2 xã thuộc huyện Tủa Chùa là Mường Báng và Xá Nhè, với 13 người mắc, 119 người tiếp xúc gần.

Bệnh than là bệnh nhiễm khuẩn, gặp phải ở cả người và động vật. Nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm phải vi khuẩn than Bacillus anthracis.

Trong số các thể bệnh than, nhiễm qua đường hô hấp là thể nguy hiểm nhất với tỷ lệ tử vong lên đến 90% nếu không được điều trị kịp thời.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật (CDC) Mỹ, một người có thể mắc bệnh than nhiễm qua đường hô hấp sau khi hít phải bào tử vi khuẩn bệnh than. Người làm việc ở những nơi như lò mổ, nhà máy thuộc da,... có thể hít phải các bào tử khi họ tiếp xúc với động vật bị bệnh hay sản phẩm bị nhiễm khuẩn được làm từ động vật mắc bệnh.

Ảnh: Mayoclinic.

Ảnh: Mayoclinic.

Bệnh than nhiễm qua đường hô hấp bắt đầu chủ yếu ở các hạch bạch huyết ở ngực trước khi lan ra khắp các phần còn lại của cơ thể, và cuối cùng gây ra các vấn đề về hô hấp nghiêm trọng và sốc.

Nhiễm qua đường hô hấp được coi là dạng bệnh than nguy hiểm nhất. Sự nhiễm trùng thường tiến triển trong vòng một tuần sau khi bị phơi nhiễm, nhưng cũng có thể mất tới 2 tháng. Nếu không được điều trị, chỉ có khoảng 10-15% số bệnh nhân mắc bệnh than nhiễm qua đường hô hấp sống sót. Tuy nhiên, với biện pháp điều trị tích cực, khoảng 55% trường hợp sống sót.

Một số triệu chứng của bệnh than nhiễm qua đường hô hấp gồm:

- Sốt và ớn lạnh

- Khó chịu ở ngực

- Hụt hơi

- Nhầm lẫn hoặc chóng mặt

- Ho

- Buồn nôn, nôn hoặc đau dạ dày

- Đau đầu

- Đổ mồ hôi (thường đầm đìa)

- Cực kỳ mệt mỏi

- Nhức mỏi cơ thể

- Sốc

- Viêm màng não

Phòng bệnh than thế nào?

Để phòng, chống bệnh than, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) trước đó cũng đã khuyến cáo về các biện pháp phòng bệnh như: Không được tiếp xúc, giết mổ và ăn thịt gia súc mắc bệnh; những người lao động thường xuyên tiếp xúc với gia súc phải trang bị ủng, găng tay, quần áo dài tay để phòng vệ; khi vùng da bị hở do vết thương, da bị tổn thưởng nên tránh tiếp xúc với gia súc; vệ sinh tay chân cơ thể bằng xà phòng ngay sau khi tiếp xúc với gia súc; khi thấy các biểu hiện nghi mắc bệnh than phải kịp thời đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để khám, điều trị kịp thời.

Ngoài ra, hết sức lưu ý về việc sử dụng vắc xin chủng ngừa bệnh than không nên dùng cho các đối tượng: Người từng bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng như sốc phản vệ sau một liều trước đó hoặc với thành phần vắc xin; phụ nữ mang thai có nguy cơ phơi nhiễm bệnh than thấp.

Tuy nhiên, vắc xin chủng ngừa bệnh than có thể được chỉ định sử dụng trong một số trường hợp, nếu nhà cung cấp vắc xin cho rằng lợi ích của việc chủng ngừa lớn hơn các rủi ro.

CDC Mỹ khuyến nghị nên tiến hành tiêm phòng bệnh than cho ba nhóm người độ tuổi từ 18 đến 65 tuổi; những người thuộc nhóm nghề nghiệp có nguy cơ tiếp xúc với vi khuẩn như nhân viên phòng thí nghiệm làm việc với bệnh than, nhân viên xử lý động vật hoặc sản phẩm động vật, bác sĩ thú y chăm sóc động vật bị nhiễm bệnh, tiêm phòng sau phơi nhiễm…

Theo Đời sống
back to top