Bên sông Hoàng Phố

Cuộc sống ở quận Hoàng Phố là sự đan xen giữa cái mới và cái cũ, cái cổ kính và cái hiện đại.

Ở đây không thiếu những tòa nhà cao tầng sát bên những khu nhà tập thể hay những con hẻm mà cuộc sống của dân cư rất giống ở Việt Nam. Những người già vẫn ra cửa hóng mát, đánh cờ tướng, chuẩn bị thực phẩm nấu ăn trưa.

 Từ khi bắt đầu mua vé máy bay tới Thượng Hải, trong đầu tôi đã vang vang bản nhạc Bến Thượng Hải với giọng hát của ca sĩ Hồng Kông Lưu Đức Hoa. Bản nhạc dẫn người ta tìm đến một Thượng Hải trước Thế chiến thứ hai u trầm và bất an nhưng không thiếu lãng mạn.

 Chúng tôi không để bị quyến rũ bởi những khách sạn sang trọng tại Phố Đông (tên chính thức là Phố Đông Tân Khu hay Quận mới Phố Đông), đặt phòng trong một khu phố cổ thuộc quận Hoàng Phố. Từ đó đi bộ gần một kilômét là đã đặt chân lên Bến Thượng Hải, đặt chân đến bờ Tây sông Hoàng Phố  từng là tô giới của Anh đúng vào lúc trời chạng vạng tối. Con sông Hoàng Phố trở nên lộng lẫy khi thành phố lên đèn.

 Những tòa nhà cổ kiến trúc kiểu châu Âu được các nhà đầu tư Anh, Mỹ xây dựng trong tô giới xưa, nay vẫn đẹp lung linh, được chiếu sáng nghệ thuật, tạo ra một khu kiến trúc kỳ ảo bậc nhất châu Á. Có khoảng 52 công trình kiến trúc cũ đã được phục hồi và tân trang, tạo ra một đại lộ nổi tiếng ở Thượng Hải cho khách bộ hành. Và bên kia sông Hoàng Phố là Phố Đông.

 Phố Đông là thành quả kinh tế thời Thủ tướng Chu Dung Cơ với ý chí của một nhà kỹ trị. Phố Đông rất hiện đại với những tòa nhà chọc trời, những con đường nhiều làn xe được quy hoạch rất chỉn chu.

 Sáng hôm sau chúng tôi quay lại sông Hoàng Phố lần nữa để ngắm những tòa nhà ngân hàng, những tòa nhà thương mại của Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Đức, Nhật, Hà Lan, Bỉ, ngắm Shanghai Club Building và Masonic Club cả trăm năm tuổi vẫn còn nguyên vẹn. Hai bên con sông Hoàng Phố là những gì nổi bật nhất, đẹp nhất có được trước và sau Thế chiến thứ hai, cũng như sự phát triển của Phố Đông bắt đầu từ năm 1990.

    Một khu phố cổ ở quận trung tâm Hoàng Phố
    

     Một khu phố cổ ở quận trung tâm Hoàng Phố

   

 Cuộc sống ở quận Hoàng Phố vẫn là sự đan xen giữa cái mới và cái cũ, cái cổ kính và cái hiện đại. Ở đây không thiếu những tòa nhà cao tầng sát bên những khu nhà tập thể hay những con hẻm mà cuộc sống của dân cư rất giống ở Việt Nam. Những người già vẫn ra cửa hóng mát, đánh cờ tướng, chuẩn bị thực phẩm nấu ăn trưa. Họ tò mò nhìn chúng tôi đi dạo. Chúng tôi ngắm những ngôi nhà cũ mà đoán là được xây vào những năm 1960.

 Tại quận trung tâm Hoàng Phố, đâu đâu cũng thấy cầu vượt giao lộ, cầu vượt cho người đi bộ làm cho phố xá trông khá xấu xí. Nhưng nhờ vậy mà xe cộ đi lại thoải mái. Một lý do nữa mà quận trung tâm Hoàng Phố không kẹt xe là do các trung tâm thương mại của Thượng Hải đã chuyển sang Phố Đông, bên kia sông Hoàng Phố, nơi có tháp truyền hình Minh Châu Phương Đông vươn cao ngạo nghễ như một biểu tượng thịnh vượng của Thượng Hải.

 Nói vậy nhưng cũng thấy tiếc cho con sông Hoàng Phố nổi tiếng, nơi những con tàu du lịch sang trọng đưa khách dạo chơi mà rác nổi lềnh bềnh. Và cũng rất kỳ, quận Hoàng Phố với những khu phố cũ, là nơi người ta vẫn phơi quần áo bên ngoài ban công những căn nhà nằm trên các phố lớn.

 Và như nhiều thành phố lớn khác trên thế giới, phát triển kinh tế luôn đi kèm tái quy hoạch đô thị. Tại Trung Quốc, điều này đang diễn ra nhanh chóng khi những tòa nhà chọc trời liên tục thay thế các công trình cũ kỹ. Ở thành phố Thượng Hải, chúng tôi đến thăm những khu nhà cổ nằm san sát nhau trong các con hẻm, hay còn được gọi là "lộng đường" tại quận Lão Tây Môn. Khu kiến trúc đặc trưng này bao gồm những tòa nhà tầng thấp, với chợ rau quả và cửa hàng mì. Link bài viết

 Lộng đường được xem là một đô thị bản địa điển hình nằm rải rác khắp các quận của Thượng Hải, trong đó có Lão Tây Môn. Đây là khu vực cổ được xây dựng từ thế kỷ XVI, từng là cửa Tây thành phố trước khi bức tường bao quanh Thượng Hải bị tháo dỡ vào năm 1912. Khi giới trẻ Thượng Hải tìm kiếm cuộc sống thoải mái tại những tòa nhà cao tầng hiện đại, khu phố cổ bị bỏ lại cho tầng lớp trung niên và người cao tuổi.

 Năm trăm năm tồn tại khu vực cửa Tây thành phố Thượng Hải dần dần trở nên vắng lặng. Là thành phố giàu nhất Trung Quốc, Thượng Hải có đủ nguồn lực tài chính để xây dựng các công trình bảo vệ môi trường và bảo tồn văn hóa. Thế nhưng vẫn chưa có những chương trình phục hồi cho một số khu dân cư như khu vực nổi tiếng Lão Tây Môn. Người nào đến đây cũng thấy tiếc.

 Chuyến đi của chúng tôi không thể thiếu điểm đến Phố Đông Thượng Hải, nơi nắm giữ nguồn lực kinh tế của thành phố giàu nhất Trung Quốc, mà người ta vẫn ví là đầu con rồng. Cuối thập niên 1980, từ bên này sông Hoàng Phố nhìn sang khu Đông chỉ thấy ruộng lúa và nhà kho.

 Năm 1990, ông Chu Dung Cơ thuyết phục ông Đặng Tiểu Bình ủng hộ kế hoạch biến khu Đông thành một đặc khu kinh tế, phát triển Thượng Hải thành một thủ đô tài chính của châu Á, một "Phố Wall ở phương Đông". Trong một thập kỷ phát triển Phố Đông, chính quyền Thượng Hải và trung ương đã chi hơn 10 tỷ USD để xây dựng hạ tầng cơ sở, bao gồm hàng loạt cầu và đường hầm kết nối khu trung tâm cổ kính của thành phố với trung tâm tài chính mới ở Phố Đông.

 Nhiều con đường trong nội đô Phố Đông có bảng điện báo tình trạng lưu thông để người lái xe tìm đường khác, tránh nơi bị tắc. Ở giao lộ giữa Phố Đông và đường cao tốc có một vòng xoay ba tầng, buổi tối đèn sáng lung linh như dải Ngân hà.

 Bà Dương Từ Lâm, một doanh nhân ngành tơ lụa giới thiệu: "Ngày nay, nhà cao tầng đã chật kín Phố Đông. Để xây dựng một thành phố đẳng cấp thế giới, chính quyền Thượng Hải thu hút ba tầng lớp người. Đó là người lao động từ nông thôn có nhiệm vụ xây dựng các công trình của thành phố, các chuyên gia nước ngoài với công việc tư vấn cho các tập đoàn đa quốc gia, và những người trẻ, tốt nghiệp đại học, nói được tiếng Anh để làm việc tại các công ty đó”.

 Nhìn thấy nhà cao tầng san sát và chung cư nơi cư ngụ của hàng triệu người, ai đó buột miệng, nếu cháy thì không có đường thoát. Thế nhưng hướng dẫn viên du lịch cho biết: "Chung cư, văn phòng hay khách sạn, vấn đề phòng cháy chữa cháy rất được chú trọng, một nhà 5 người thì phải có 5 mặt nạ phòng độc, phòng khách sạn 2 giường thì 2 cái, lỡ cháy thì khách đeo vô chạy xuống lối thoát hiểm".

 Bên khu phố cũ ở quận Hoàng Phố, không thấy ai nói tiếng Anh tốt, kể cả những nhân viên khách sạn 4 sao. Chủ khách cứ hoa chân múa tay bày tỏ ý kiến. Nhưng bước sang Phố Đông thì mọi chuyện đã khác. Một lớp trẻ Trung Quốc nói tiếng Anh, làm việc văn phòng trên 10 giờ mỗi ngày tràn ngập ở các tòa nhà cao trên 50 tầng, tưởng đâu như có một khu phố châu Âu đặt ở đó. Phố Đông thu hút toàn nam thanh nữ tú, thấy họ bước ra từ các văn phòng, ăn mặc sang trọng, bước chân vội vã, toát ra vẻ khỏe mạnh, tự tin, thật đẹp!

 Mọi du khách đến Thượng Hải đều đọng lại nhiều bất ngờ như vậy!

Theo doanhnhansaigon.vn
back to top