Ba bài thuốc cổ phương trị viêm khớp dạng thấp

(khoahocdoisong.vn) - Theo y học cổ truyền, viêm khớp dạng thấp (VKDT) thuộc hội chứng bệnh cơ khớp, có nhiều nguyên nhân, phần nhiều bên trong chức năng gan, thận, gân, xương bị suy yếu, bên ngoài ngoại cảm tà khí phong, hàn, thấp, tý gây ngưng đọng huyết dịch, gây đau tại khớp.

Đặc điểm VKDT nếu đau do thấp phần nhiều đau ở phần dưới cơ thể, đau cố định một chỗ, ít di chuyển. Nếu đau do phong, phần nhiều đau ở phần trên cơ thể, đau hay di chuyển, có khi khớp sưng đau gặp ngoại cảm người nóng lạnh. Sau đây là một số bài thuốc có tác dụng phòng trị VKDT theo đối chứng trị liệu.

 - VKDT thường đau các khớp phần dưới cơ thể đau cố định một chỗ,  chân không ấm. Phép trị chủ yếu khu phong trừ thấp, bổ khí huyết. Nên dùng vị nhân sâm 12g, phục linh 14g, sinh địa 20g, đương quy 14g, xuyên khung 14g, xích thược 14g, đỗ trọng 14g, ngưu tất 12g, độc hoạt 10g, tang ký sinh 16g, tế tân 6g, tần giao 10g, phòng phong 10g, quế chi 12g, cam thảo 6g, đại táo 3 quả. Nếu đau tăng, gia thiên niên kiện 12g hoặc xuyên ô 6g.  Đây là bài Độc hoạt ký sinh gia giảm, bài thuốc có tác dụng trừ phong thấp, chỉ thống, ích can thận, bổ khí huyết, sắc uống ngày một thang. Bài thuốc vừa bổ chính khí, vừa khu tà, rất thích hợp VKDT do phong hàn thấp tý đau nhiều phần dưới cơ thể.

- VKDT thường biểu hiện đau các khớp phần trên cơ thể, khớp bàn tay, cổ tay sưng  đau nhiều. Nên dùng vị đương quy 14g, xích thược 14g, hoàng kỳ 14g, phòng phong 10g, khương hoàng 12g, quế chi 12g, khương hoạt 10g, cam thảo 6g,  đại táo 3 quả. Đây là bài Quyên tý thang (Nghiêm Dụng Hoà) gia giảm. Tác dụng ích khí, hoạt huyết, khu phong, trừ thấp. Nếu ăn kém, tỳ hư gia thêm  đảng sâm. Nếu người mập thấp trệ thêm trần bì 12g, bán hạ 8g. Nếu đau lâu ngày có thể gia địa long 12g, sắc uống ngày 1 thang. Các vị hợp thành bài bổ khí huyết, khu phong trừ thấp, phòng trị VKDT đau các khớp phần trên cơ thể. Bài này còn hay được dùng chữa đau khớp vai gáy.

 - VKDT các khớp tay chân đều có sưng nóng đỏ đau, có ngoại cảm phong hàn. Nên dùng sinh địa 20g, xuyên khung 14g, bạch chỉ 14g, thương truật 12g, khương hoạt 8g, phòng phong 10g, tế tân 6g, thông bạch 12g, hoàng cầm 8g, sinh khương 12g, cam thảo 6g. Nếu khớp đau nhiều tăng vị khương hoạt 12g. Nếu sợ lạnh bỏ sinh địa, hoàng cầm, gia hậu phác hoặc chỉ xác. Đây là bài Cửu vị khương hoạt (Tự Sự Nan Trị) gia giảm.  Bài thuốc có tác dụng phát hãn, trừ  thấp, thanh lý nhiệt. Bài này rất thích hợp VKDT, nội thương thấp nhiệt có ngoại cảm phong hàn, khớp đang sưng nóng đỏ đau, người nóng lạnh. Lưu ý bài này không dùng cho chứng âm hư, người gầy gò.  

Trên đây là ba bài thuốc cổ phương thường được sử dụng phòng trị các chứng bệnh về đau nhức cơ khớp. Bài thuốc trên nếu được gia giảm theo thể chứng từng người, từng giai đoạn bệnh phòng trị VKDT rất hiệu quả hầu như không có tác dụng phụ.

Lương y Phan Thị Thạnh (Hội Đông y Vũng Tàu)

Theo Đời sống
Nhập viện vì... nghẹn gân bò

Nhập viện vì... nghẹn gân bò

Dị vật đường ăn rất nguy hiểm, có thể gây tắc nghẽn, nuốt đau, nuốt khó, không ăn uống được cho bệnh nhi, thậm chí dẫn đến nhiễm trùng tạo ổ mủ trong thực quản nếu dị vật bị sót lại.
back to top