Sợ con còi xương nên chị Trần Lệ Hà (Thái Nguyên) chăm mua tôm về cho con ăn. Mỗi lần chị rim tôm với thịt cháu rất thích nhưng con tôm nhỏ thì cháu ăn được cả vỏ chứ con to, cháu hay bóc vỏ. Thấy con bóc vỏ tôm, chị thường mắng vì cho rằng, bỏ vỏ đi rồi thì còn gì canxi, làm sao mà hết còi được. Thấy mẹ mắng, cháu không ăn tôm nữa mà chỉ ăn thịt.
Lời bàn: PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, ĐHBK HN cho biết, thịt tôm có hàm lượng protein cao, ngoài ra còn rất giàu canxi, photpho, axit béo và nhiều khoáng chất khác.
Từ xưa các bà nội trợ tin rằng, vỏ tôm chứa rất nhiều canxi, ăn vỏ tôm mới tốt, nhưng thực chất, nguồn canxi chính của tôm lại là ở thịt, chân và càng tôm. Vỏ tôm chỉ chứa chất kittin (một dạng polymer) tạo nên vỏ của các loại giáp xác chứ không chứa nhiều canxi, nếu ăn vào còn khó tiêu. Nếu muốn cho trẻ ăn tôm cả vỏ thì nên chọn tôm nhỏ còn với tôm to, tốt nhất bóc bỏ lớp vỏ, để lại chân mềm cho trẻ ăn để vừa có nhiều canxi, vừa dễ ăn, dễ tiêu hóa.