6 thể rối loạn kinh nguyệt chị em cần lưu ý

(khoahocdoisong.vn) - Kỳ kinh đến trước hoặc đến, sau không ổn định là triệu chứng của chứng rối loạn kinh nguyệt. Tùy từng chứng trạng mà có cách trị khác nhau.

1 . Do can khí uất kết: trong tháng kỳ kinh đến muộn, nhưng kinh nguyệt bình thường, lượng kinh có thể ít hơn, điều trị bằng hòa can dưỡng huyết điều kinh. Bài thuốc Tiêu giao tán gồm sài hồ 8g, đương quy 8g, bạch truật 12g, sinh khương 12g, bạch thược 12g, phục linh 12g, cam thảo 6g, bạc hà 4g, gia hương phụ 12g, quế chi tiêm 8g. Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn 15 phút.

2. Do tỳ vị khí hư không thống nhiếp được huyết: Kỳ kinh đến trước ngày, điều trị bổ tỳ kiện vị nhiếp huyết. Bài thuốc Quy tỳ thang gồm nhân sâm 12g, viễn chí 8g, bạch truật 12g, hoàng kỳ 16g, mộc hương 6g, sinh khương 3 lát, đại táo 2 quả, phục linh 12g, đương quy 8g, long nhãn 8g, hắc táo nhân 16g, chích cam thảo 4g. Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn 15 phút.

3. Trong một tháng có kinh 2 - 3 lần: Thường do tỳ vị hư hàn, khí không thống nhiếp được huyết. Triệu chứng, huyết hành quá nhanh làm tim đập nhanh, hồi hộp, đầu choáng váng, tai ù, tiêu hóa khi táo khí lỏng hoặc ngày đi nhiều lần lượng phân ít, mạch hư đại vô lực.

Điều trị, bổ khí nhiếp huyết, điều hòa kinh nguyệt. Bài thuốc Thập toàn đại bổ thang gồm nhân sâm 12g, bạch truật 12g, bạch linh 12g, cam thảo (chích) 6g, đương quy 10g, sinh địa 12g, bạch thược 10g, xuyên khung 8g, hoàng kỳ 16g, nhục quế 6g. Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn 15 phút.

4. Do can hỏa vượng huyết nhiệt một tháng hành kinh 2 - 3 lần: Triệu chứng, lượng kinh ra nhiều, có máu cục màu đen, đau đầu có khi thấy tối sầm cả hai mắt, bụng đau, mạch huyền sác. Điều trị, bình can giáng hỏa, bổ huyết lương huyết.

Bài thuốc Đan chi tiêu giao tán”, bài tiêu giao tán gia đan bì 8g, chi tử 8g, gia thêm hồng hoa 8g, đào nhân 8g. Cách dùng, ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn 15 phút.

Nếu 2 - 3 tháng mới thấy kinh một lần, phần nhiều do khí huyết hư hoặc khí huyết hư hàn, huyết ứ lại ở trong.

5. Do khí huyết đều hư: Triệu chứng, lượng kinh ra ít, huyết màu nhạt, mặt xanh nhợt, môi và móng tay móng chân không đỏ tươi, đầu choáng váng, hoa mắt, tay chân mỏi mệt, rã rời, mạch tế sác.

Điều trị, kiện tỳ vị, bổ khí dưỡng huyết. Bài thuốc “Bát trân thang” gồm thục địa 16g, đương quy 8g, xuyên khung 6g, bạch thược 12g, nhân sâm 12g (nếu dùng đảng sâm 24g), bạch linh 12g, bạch truật 12g, cam thảo (chích) 4g. Cách dùng, ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn 15 phút.

6. Do khí huyết hư hàn huyết ứ lại ở trong: Triệu chứng bụng dưới đau rắn, ấn tay vào thấy cứng và đau, nếu lâu ngày có trường hợp da bụng nổi vảy màu trắng, mạch trầm sáp.

Điều trị, khu hàn hoạt huyết thông kinh. Bài thuốc “Đào nhân thang” gồm đào nhân 12g, trạch lan (lá mần tưới) 12g, cam thảo 4g, xuyên khung 10g, nhân sâm 12g, ngưu tất 12g, quế tâm (quế nhục cạo bỏ vỏ ngoài) 8g, đan bì 8g, đương quy 12g, bạch thược 12g, sinh khương 12g, bán hạ (chế) 12g, sinh địa 12g, bồ hoàng 8g. Cách dùng, ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn 15 phút.

TTND.BSCC Nguyễn Xuân Hướng (nguyên Chủ tịch T.Ư Hội Đông Y Việt nam)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top