6 món gỏi sống dễ đưa ký sinh trùng vào cơ thể

Gỏi sống là món ăn khoái khẩu của nhiều người ở nhiều địa phương. Tuy nhiên ít ai biết rằng gỏi sống có thể là nơi trú ngụ của nhiều loại ký sinh trùng (giun sán) khác nhau.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến gỏi sống thủy hải sản nằm trong danh sách thực phẩm dễ chứa vi khuẩn, ký sinh trùng. Một số xảy ra tự nhiên trong môi trường sống của cá, cua. Một số khác có thể là kết quả của việc xử lý thực phẩm không đúng cách. Có những ký sinh trùng không gây ra triệu chứng cấp tính rõ ràng nào, trong khi đó thì một số loại ký sinh trùng có thể gây hại nghiêm trọng cho sức khoẻ về lâu dài.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Gỏi cá sống

Thói quen ăn cá sống, gỏi cá với cá chưa nấu chín được chế biến từ nhiều loại cá khác nhau như: cá hồi, cá trích, cá nhệch, cá chép, cá mè... Cách ăn uống này đã tồn tại rất lâu, hiện nay còn phổ biến ở một số địa phương…

Gỏi sứa tươi

Là món ăn của người vùng biển, sau khi ngâm sạch trộn sứa với các loại gia vị tiêu, muối… chuối chát xắt mỏng, xoài ươm bào sợi vào rồi ăn.

Gỏi mực nhảy

Món ăn này được chế biến bằng cách sử dụng mực còn tươi sống, nhảy tanh tách và người thưởng thức sẽ ăn trực tiếp.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Hàu sống

Hàu là loại hải sản được thu hoạch tự nhiên hoặc nuôi ở các vùng ven biển. Hàu sống là món ăn phổ biến tại nhiều nước trên thế giới. Hàu sống được ăn tái với chanh hoặc mù tạt. Tuy món hàu sống cung cấp nhiều chất đạm, vitamin, kẽm... cho cơ thể nhưng chúng cũng mang vi khuẩn họ Vibrio gây bệnh tả.

Nhum (cầu gai, nhím biển) ăn sống

Đây là cách ăn phổ biến của ngư dân, người dân vùng biển. Sau khi bắt lên bờ, họ chỉ cần cắt hết gai nhọn xung quanh rồi dùng dao chẻ đôi, loại bỏ hết bộ lòng bên trong. Còn lại là phần thịt mịn như bơ bám dọc thành cầu, dùng muỗng xúc ăn. Có thể ăn nhum sống kèm với mù tạt hoặc chanh…

Sushi và Sashimi

Là món ăn du nhập từ Nhật Bản dùng thịt cá sống của nhiều loại cá biển như ngừ, hồi, mực… lát mỏng để chế biến món Sushi và Sashimi được nhiều người Việt Nam rất yêu thích.

Chia sẻ trên Báo Sức khoẻ và Đời sống, PGS.TS.BS Phạm Ngọc Minh – Trưởng bộ môn Ký sinh trùng (Đại học Y Hà Nội), Trưởng khoa vi sinh - Ký sinh trùng (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết, tất các các loài cá sống trong tự nhiên đều có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng gây bệnh cho người. Nếu môi trường sống của cá có chất thải công nghiệp, chất độc thì cá nhiễm thêm hóa chất độc hại. Có chất thải sinh hoạt thì cá nhiễm thêm vi khuẩn, virus gây bệnh.

Một số bệnh ký sinh trùng chính có thể lây sang người sau khi ăn thủy hải sản sống hoặc nấu chưa chín như: Sán lá phổi; sán lá gan nhỏ, sán lá ruột nhỏ; giun Anisakis simplex; nhiễm khuẩn...

PGS.TS.BS Phạm Ngọc Minh khuyến cáo, ký sinh trùng là những sinh vật sống ký sinh trên các sinh vật sống khác (gọi là vật chủ) chiếm sinh chất để sống, gây nhiều tác hại cho vật chủ. Cách tốt nhất và hữu hiệu nhất là không nên ăn các loại thủy hải sản sống mà nên nấu nướng thật chín. Các biện pháp truyền thống như ngâm hải sản sống vào cốt chanh, giấm đều không diệt được giun, kể cả uống rượu mạnh cũng không có tác dụng gì.

Theo Đời sống
back to top