5 bệnh trẻ dễ mắc trong mùa hè và cách phòng ngừa

Ở trẻ em, hệ miễn dịch còn kém nên khi vào hè nhiệt độ thay đổi thất thường khiến trẻ dễ mắc một số bệnh nguy hiểm. Chính vì vậy, phụ huynh cần lưu ý đến các bệnh thường gặp vào mùa hè để có biện pháp phòng tránh.

Bệnh tay chân miệng

Tay chân miệng do vi trùng đường ruột Ente’virus (E71) và Coxcakieruses gây ra. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hoá, từ người sang người.

Ban đầu, trẻ thường sốt nhẹ, đau họng, đau miệng, chảy nước miếng và biếng ăn hơn. Trẻ nhỏ thường đau khóc, bỏ bú. Đặc biệt, những vết loét đỏ như vết lở miệng sẽ xuất hiện nhiều ở vòm miệng, môi trong, lợi, lưỡi… Quan sát kĩ có thể thấy đó là những vết phát ban dạng phỏng nước, hoặc vết nổi cộm trên da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông trẻ.

Tuy nhiên, nếu trẻ sốt hơn 39 độ C, bứt rứt, khó ngủ, quấy khóc, ngủ li bì, thỉnh thoảng giật mình và giơ hai tay lên thì cần đưa đến bệnh viện kịp thời. Nếu để trẻ bệnh có thể trở nặng, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong.

Thủy đậu

Bệnh thủy đậu do siêu vi Varicella zoster gây ra với biểu hiện là các tổn thương dạng bóng nước trên da và niêm mạc. Sau khi siêu vi xâm nhập cơ thể, phải qua khoảng 10-20 ngày ủ bệnh thì người bệnh mới xuất hiện các triệu chứng như sốt, đau đầu, uể oải, chán ăn… Lúc này, trên da người bệnh có thể xuất hiện hồng ban có đường kính vài milimet và sau 1-2 ngày mới xuất hiện nốt đậu. Nốt đậu nổi nhiều là dấu hiệu cảnh báo bệnh có thể diễn tiến nặng.

Sốt xuất huyết

Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue. Muỗi vằn là nguyên nhân lây lan bệnh, truyền virus Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Bệnh nhẹ, bệnh nhân sốt cao, phát ban, đau cơ và khớp, rối loạn đông máu, suy đa tạng. Sốt xuất huyết có thể tiến triển nặng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, nguy hiểm tính mạng.

Khi nghi ngờ trẻ em có dấu hiệu sốt xuất huyết, cần đưa đến bệnh viện khám và chẩn đoán. Trẻ sốt trên 38,5 độ C, cho uống thuốc hạ sốt paracetamol. Không được dùng aspirin hay ibuprofen, vì có thể dẫn đến xuất huyết, toan máu.

Tiêu chảy cấp

Nhiệt độ và độ ẩm cao tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, nấm phát triển nên thức ăn bị hư hỏng nhanh. Ruồi, muỗi, chuột, gián, kiến... sinh sôi nảy nở, làm lây lan các mầm bệnh đường tiêu hóa qua thực phẩm và nước uống, gây tiêu chảy.

Tiêu chảy cấp chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi. Lúc này, việc quan trọng nhất là đánh giá mức độ trẻ bị mất nước và bù nước điện giải bằng cách uống dung dịch oresol. Chỉ truyền dịch khi trẻ mất nước nặng, nôn nhiều, không thể uống được hoặc đi ngoài rất nhiều không thể bù kịp bằng đường uống. Dùng kháng sinh và men tiêu hóa vi sinh phải theo chỉ định của bác sĩ, không được tự ý dùng thuốc trị tiêu chảy.

Trẻ có một trong các dấu hiệu sốt cao liên tục, co giật, nôn nhiều, không ăn uống được, chướng bụng, phân có máu, cần đưa vào viện khám. Khi đó tiêu chảy có thể là biểu hiện của một bệnh khác nặng hơn.

Viêm não Nhật Bản

Tỷ lệ mắc bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ em thường tăng cao hơn mùa mưa. Đây là bệnh lý khá nguy hiểm nếu để bệnh diễn tiến nặng mà không được phát hiện kịp thời có thể gây ra tử vong. Tuy nhiên, bệnh lý này hiện nay đã có vaccine viêm não Nhật Bản, phần nào làm giảm bớt nguy cơ cho trẻ em.

Phòng bệnh cho trẻ trong mùa hè nắng nóng

Tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt

Tạo dựng thói quen rửa tay sạch sẽ- đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa, sẽ giúp trẻ loại bỏ hiệu quả những tác nhân gây bệnh nguy hiểm từ chính đôi bàn tay của mình.

Ăn uống hợp vệ sinh

Vấn đề chế biến và bảo quản đồ ăn, thức uống phải tuân thủ chặt chẽ theo quy định an toàn vệ sinh thực phẩm của bộ Y tế, nhằm loại trừ tối đa các tác nhân gây bệnh ở đường tiêu hóa có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ.

Tạo môi trường sống trong lành và an toàn

Luôn giữ môi trường sống thông thoáng, trong lành như: phát quang môi trường, loại bỏ những nơi nước đọng nhằm ngăn chặn sự phát triển của muỗi vằn là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết, giúp hạn chế sự lây nhiễm của các bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm. Ngoài ra, phụ huynh nên tạo thói quen khi ngủ mắc màn, tham gia phong trào diệt lăng quăng,...

Tăng cường lượng dịch uống

Luôn luôn tăng cường lượng nước cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là những loại nước uống giàu khoáng chất và nhiều vitamin như các loại nước ép trái cây, nước cam tươi, nước dừa tươi, nước sôi nguội,... giúp cơ thể trẻ luôn luôn mát mẻ và tăng cường sức khỏe để chống chọi với bệnh tật.

Tiêm ngừa đầy đủ

Những loại bệnh lý nguy hiểm phù hợp với lứa tuổi của trẻ bằng các loại vắc xin sẵn có, giúp trẻ được bảo vệ trong suốt mùa nắng nóng này.

Theo Đời sống
back to top