Những thói quen ăn uống gây suy thận
Theo thống kê của Hội lọc máu Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh suy thận (thận mạn) ở Việt Nam chiếm khoảng 10,1% dân số (hơn 10 triệu người mắc), với khoảng 8.000 ca mắc mới mỗi năm. Tỷ lệ tử vong do bệnh thận mạn đứng thứ 8 trong các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam.
Nguy cơ bị suy thận có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào. Có rất nhiều nguyên nhân gây suy thận trong đó đa số người mắc bệnh là có đặc điểm ăn uống gồm:
Ăn quá mặn:Thận có nhiệm vụ lọc máu và loại bỏ lượng nước dư thừa ra khỏi cơ thể. Để đảm bảo chức năng này, cần có sự cân bằng giữa natri và kali trong cơ thể. Thế nhưng, chế độ ăn nhiều muối sẽ làm thay đổi sự cân bằng ấy, làm suy giảm chức năng thận và tăng huyết áp, từ đó có thể dẫn tới suy thận.
Ăn quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn: Thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều natri và phốt pho. Cả 2 khoáng chất này đều có thể khiến thận suy hỏng sớm nếu bạn tiêu thụ ở mức quá nhiều. Một số nghiên cứu đã chỉ ra việc ăn quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn có thể gây hại cho thận và xương ở những người không mắc các bệnh về thận.
Ăn quá nhiều thịt: Tiêu thụ quá nhiều protein từ động vật sẽ khiến lượng axit ở trong máu ở mức cao hơn, có thể gây ra chứng nhiễm toan (tình trạng thận không loại bỏ kịp thời axit trong máu), cuối cùng có thể gây hại cho thận.
Protein là chất cần thiết cho sự phát triển, duy trì và sửa chữa tất cả các tế bào trong cơ thể. Tuy nhiên các bác sĩ khuyến nghị mọi người nên tiêu thụ protein ở mức vừa phải, cân bằng với các loại thực phẩm khác như rau củ, trái cây.
Bên cạnh đó, thay vì chỉ bổ sung protein từ động vật, hãy cân nhắc bổ sung protein có nguồn gốc thực vật vào chế độ ăn để giúp thận khỏe mạnh hơn. Các thực phẩm có nguồn gốc thực vật giàu protein mà bạn có thể tiêu thụ gồm các loại đậu, các loại hạt, quả bơ, măng tây, cải xoăn, các loại nấm,...
Ăn quá nhiều đường: Tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chứa nhiều đường có thể dẫn tới béo phì, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh huyết áp cao và tiểu đường, hai trong số những nguyên nhân chính dẫn tới suy thận. Hãy chú ý tới hàm lượng đường có trong các sản phẩm mà mình tiêu thụ để tránh nạp quá nhiều đường vào chế độ ăn uống.
Những thực phẩm dễ gây suy thận - Ảnh minh họa |
Biến chứng nguy hiểm của suy thận
Thận là hai cơ quan nằm sau lưng, hai bên cột sống, ngay phía trên eo. Thận đảm nhận một số chức năng để duy trì sự sống. Thận lọc máu bằng cách loại bỏ chất thải và nước dư thừa, duy trì cân bằng muối và chất điện giải trong máu, giúp điều chỉnh huyết áp.
Suy thận hay tổn thương thận là tình trạng suy giảm chức năng của thận. Có nhiều nguyên nhân và bệnh lý dẫn đến suy thận.
Về thời gian mắc bệnh, người ta thường chia thành hai nhóm bệnh là suy thận cấp và suy thận mạn. Suy thận cấp diễn ra trong vòng vài ngày và có thể phục hồi hoàn toàn hoặc một phần chức năng thận sau khi được điều trị thích hợp trong một vài tuần.
Ngược lại, suy thận mạn là quá trình tiến triển không phục hồi chức năng thận. Các biện pháp điều trị trong suy thận mạn chỉ nhằm làm chậm diễn tiến của bệnh và ngăn ngừa biến chứng.
Khi chức năng thận giảm đến 90%, người bệnh bị suy thận nặng và cần được điều trị thay thế thận bằng chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc hoặc ghép thận.
Hầu hết các loại bệnh thận sẽ làm tổn thương các nephron (một đơn vị cấu trúc của thận). Sự tổn thương này có thể khiến thận không thể loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể. Nếu không chữa trị, thận cuối cùng có thể ngừng hoạt động hoàn toàn. Mất chức năng thận rất nghiêm trọng và có khả năng gây tử vong.
- Những biến chứng có thể xảy ra bao gồm:
- Giữ nước, có thể dẫn đến phù ở tay và chân, tăng huyết áp, phù phổi cấp
- Tăng kali máu, có thể đe dọa tính mạng
- Bệnh tim mạch.
- Xương yếu và tăng nguy cơ gãy xương.
- Thiếu máu.
- Giảm ham muốn tình dục hoặc bất lực.
- Tổn thương hệ thần kinh trung ương, có thể gây ra khó tập trung, thay đổi tính cách hoặc co giật.
- Giảm phản ứng miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng hơn
Bác sĩ nguyễn Xuân Tuấn, (Giảng viên trường Đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội)