Tiểu nhiều, tức ngực nguy cơ suy thận?

Đa số những bệnh nhân phải chạy thận hầu như ít quan tâm đến sức khỏe và không biết kiến thức về bệnh suy thận. Chỉ khi có biểu hiện bệnh nặng lên, bệnh nhân đi khám mới phát hiện bị bệnh thận và đã ở giai đoạn cuối.

“Dù lọc máu có thể giúp giảm bớt áp lực cho thận, giúp thận khỏe hơn nhưng việc này cũng không thể thay thế hoàn toàn chức năng của thận. Vì thế, người bị bệnh thận vẫn có nguy cơ gặp các biến chứng nguy hiểm như: thiếu máu, bệnh tim mạch, tăng phốt phát máu, tăng kali máu, tích tụ nước trong cơ thể... thậm chí dẫn đến tử vong”, BSCKI Lương Minh Tuyến, Phó Trưởng Khoa thận - lọc máu, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) khuyến cáo.

Còn trẻ, vẫn khỏe mạnh nhưng bất ngờ phải lọc máu

Anh N.V. H., (18 tuổi, Hà Nội) gần đây bị mệt mỏi, chán ăn, tiểu nhiều và tức ngực. Đi khám, anh H. được bác sĩ chẩn đoán suy thận giai đoạn cuối. Bệnh nhân và gia đình rất bất ngờ vì tưởng bệnh đơn giản không ngờ lại phải lọc máu.

Dù mới ngoài 20 tuổi, nhưng H.V.S (quận 12, TP HCM) đã có 3 năm chạy thận tại Bệnh viện Thống Nhất. Trước khi mắc bệnh, S. không có triệu chứng gì, chỉ đến khi chân bị phù, thường xuyên đau đầu, mắt mờ và không ăn uống được mới đi khám. "Thật ngỡ ngàng sau khi bác sĩ thông báo bị suy thận giai đoạn cuối. Trước đó, tôi không thấy cơ thể xuất hiện triệu chứng bất thường. Còn trẻ song không nghĩ mình bệnh nặng như vậy", S. chia sẻ.

Bệnh nhân lần đầu đi khám đã phải lọc máu vì suy thận

Bệnh nhân lần đầu đi khám đã phải lọc máu vì suy thận

Khảo sát của PV Khoa học & Đời sống cho thấy, tại các Trung tâm chạy thận trên cả nước đều đông kín bệnh nhân.

BSCKII Đặng Thế Đạt, Giám đốc Trung tâm thận - lọc máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa nhận định, theo thống kê tại một số bệnh viện trên địa bàn tỉnh, bệnh nhân mắc suy thận mạn phải lọc máu tăng khoảng gần 40% trong khoảng 5 năm trở lại đây.

Đặc biệt, nếu trước đây, bệnh suy thận thường chỉ xuất hiện ở nhóm người từ 60 tuổi trở lên, thì hiện nay, tỷ lệ người trẻ trong độ tuổi từ 18 - 40 tuổi đang ngày càng gia tăng. Trong số hơn 500 bệnh nhân suy thận mạn đang phải lọc máu chu kỳ tại Trung tâm có khoảng gần 20% bệnh nhân trong độ tuổi này.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Bách, Trưởng Khoa Nội thận - lọc máu - Bệnh viện Thống Nhất, thời gian gần đây, số bệnh nhân trẻ dưới 40 tuổi đến khám và được phát hiện suy thận giai đoạn cuối gia tăng. Đáng chú ý, nhiều người dưới 30 tuổi lần đầu đến khám bệnh đã phải chạy thận. Có khoảng 20% bệnh nhân trẻ dưới 40 tuổi đang chạy thận định kỳ...

Theo thống kê của Hội lọc máu Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh suy thận (thận mạn) ở Việt Nam chiếm khoảng 10,1% dân số (hơn 10 triệu người mắc), với khoảng 8.000 ca mắc mới mỗi năm. Tỷ lệ tử vong do bệnh thận mạn đứng thứ 8 trong các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam.

Bệnh nhân suy thận - Ảnh BVCC

Bệnh nhân suy thận - Ảnh BVCC

Triệu chứng suy thận

Bác sĩ nguyễn Xuân Tuấn, Giảng viên trường Đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, suy thận là tình trạng suy giảm chức năng lọc chất thải từ máu trong một khoảng thời gian dài. Nếu để lâu, có thể dẫn đến suy thận mãn tính, phải điều trị bằng việc lọc máu hoặc nặng hơn có thể tử vong. Nguy cơ bị bệnh có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào.

Triệu chứng suy thận phát triển theo thời gian nếu tổn thương thận tiến triển chậm và thường không đặc hiệu. Vì thận có khả năng bù trừ rất tốt, nên ở giai đoạn đầu, bệnh thường không có triệu chứng. Đến khi xuất hiện triệu chứng thì bệnh đã ở giai đoạn trễ.

Các dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm: Buồn nôn, nôn; chán ăn; mệt mỏi, ớn lạnh; rối loạn giấc ngủ; thay đổi khi đi tiểu: tiểu nhiều vào ban đêm, nước tiểu có bọt, lượng nước tiểu nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường, nước tiểu có màu nhạt hơn hay đậm hơn bình thường, nước tiểu có máu, cảm thấy căng tức hay đi tiểu khó khăn,...

Giảm sút tinh thần, hoa mắt, chóng mặt; co giật cơ bắp và chuột rút; nấc; phù chân, tay, mặt, cổ; ngứa dai dẳng; đau ngực (nếu có tràn dịch màng tim); khó thở (nếu có phù phổi); tăng huyết áp khó kiểm soát; hơi thở có mùi hôi; đau hông lưng...

BSCKI Lương Minh Tuyến nói thêm: “Bệnh suy thận có rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, suy thận cấp được chia thành 3 nhóm nguyên nhân chính gây suy thận gồm có: trước thận, tại thận, sau thận. Nhóm bệnh nhân trước thận gồm các nhóm nguyên nhân gây giảm dòng máu tới thận, khiến chức năng lọc suy giảm như: mất nước do nắng nóng, tiêu chảy nôn nhiều.

Nhóm nguyên nhân tại thận gây hoại tử ống thận, giảm chức năng của thận như: nhiễm trùng, nhiễm độc… Suy thận sau thận do các nguyên nhân tắc nghẽn đường tiểu gây ứ nước tiểu, giãn đài bể thận và suy thận: thường gặp trong các bệnh lý sỏi tiết niệu, ung thư, phì đại tiền liệt tuyến…

Suy thận mạn là quá trình chết các tế bào nephron từ từ, do nhiều nguyên nhân: viêm cầu thận, các bệnh lý tim mạch nội tiết như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, các bệnh lý tự miễn như lupus ban đỏ, xơ cứng bì…, các bệnh lý di truyền như: gan thận đa nang…

Các triệu chứng của bệnh thận giai đoạn đầu khó phát hiện. Dấu hiệu suy thận dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác ở đường tiết niệu. Do đó, người dân cần có kiến thức nhận biết sớm để chủ động thăm khám, nhận sự tư vấn và điều trị kịp thời, đúng cách, ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm khi có dấu hiệu tiểu ít, sưng phù tay chân, khó thở…

Người bệnh thận có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như thiếu máu, bệnh tim mạch, tăng phốt phát máu, tăng kali máu, tích tụ nước trong cơ thể. Chất lượng cuộc sống, công việc, tinh thần người bệnh cũng chịu nhiều tác động.

“Suy thận mạn không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Với tiến bộ trong y học hiện nay, người bệnh suy thận nếu được thăm khám và theo dõi định kỳ có thể làm chậm tiến triển của bệnh. Điều trị suy thận bao gồm: chế độ ăn nhạt, giảm đạm, dùng thuốc và lọc máu. Lọc máu, lọc màng bụng hay ghép thận... đối với những bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối giúp kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.” – BS Tuyến nhấn mạnh.

Trao đổi với bệnh nhân bị suy thận - Ảnh BVCC

Trao đổi với bệnh nhân bị suy thận - Ảnh BVCC

Phòng ngừa suy thận

Không có cách nào để phòng ngừa hoàn toàn bệnh suy thận, chỉ có thể áp dụng các phương pháp duy trì lối sống lành mạnh để giảm các yếu tố nguy cơ bằng cách:

- Uống đủ nước trong một ngày từ 1,5-2 lít, uống nhiều hơn trong những ngày nóng hoặc vận động ra nhiều mồ hôi

- Nếu có các bệnh lý nền, bệnh lý đồng mắc thì cần kiểm soát tốt: huyết áp, đường huyết…Giữ huyết áp đúng mức là dưới 140/90 mmHg; Kiểm soát nồng độ đường và cholesterol trong máu

- Thường xuyên tập thể dục.

- Có chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường chất xơ, rau xanh, hoa quả… vào chế độ ăn hàng ngày. Đồng thời hạn chế các đồ ăn chứa nhiều chất béo, đồ ăn chế biến sẵn, đồ nhiều muối.

- Kiểm soát lượng protein và kali nạp vào cơ thể.

- Thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm nguy cơ, không chủ quan với những bất thường của cơ thể.

- Tránh xa căng thẳng, stress trong cuộc sống, cần có thời gian nghỉ ngơi hợp lý.

- Thực hiện chế độ ăn giảm muối, giảm đạm, giảm dầu mỡ.

Theo Đời sống
back to top