Mẹ bầu tiền sản giật nặng, suy thận... cách nào để phát hiện?

Tiền sản giật là một biến chứng sản khoa nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của cả mẹ và bé. Do vậy, mẹ bầu cần theo dõi sức khỏe thai kỳ thường xuyên, khám thai định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu tiền sản giật.

1/5 tai biến sản khoa nguy hiểm

Mẹ N.T.T (38 tuổi), mang thai lần 2 có tiền sử mổ đẻ cũ, nhập viện khi mang thai 36 tuần với các triệu chứng nguy hiểm của tiền sản giật nặng: huyết áp cao 180/80mmHg, phù hai chân, protein niệu 2.064g/l.

Chị T. được chỉ định làm các xét nghiệm hóa sinh kiểm tra chức năng gan thận, kết quả cho thấy sản phụ suy thận độ 1. Nhận định tình trạng nguy cấp, các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định mổ lấy thai cấp cứu.

BSCKII Vương Đức Hinh cùng ekip phẫu thuật thành công cứu mẹ con bị tiền sản giật - Ảnh BVCC

BSCKII Vương Đức Hinh cùng ekip phẫu thuật thành công cứu mẹ con bị tiền sản giật - Ảnh BVCC

Ca phẫu thuật được thực hiện bởi BSCKII Vương Đức Hinh cùng ekip đã diễn ra thành công, bé gái chào đời khỏe mạnh với cân nặng 2650g. Sau ca mổ, sức khỏe của mẹ T cũng dần ổn định, huyết áp trở lại bình thường và chức năng thận được cải thiện.

Theo TS.BS Đinh Thúy Linh, Giám đốc Trung tâm sàng lọc trước sinh và sơ sinh, BV Phụ Sản Hà Nội, tiền sản giật là bệnh lý xuất hiện trong thời gian mang thai, thường xảy ra trong giai đoạn sau 20 tuần của thai kỳ và có thể kéo dài sang 6 tuần sau sinh.

Bệnh lý này có thể xảy ra ở bất cứ thai phụ nào, tuy nhiên những phụ nữ mang thai đầu tiên, sinh con khi ngoài 35 tuổi, bị béo phì, mắc bệnh lý mạn tính như thận, đái tháo đường, lupus ban đỏ hệ thống thì có nguy cơ bị tiền sản giật cao hơn những thai phụ khác.

Tiền sản giật là một trong 5 tai biến sản khoa gây ra nhiều biến chứng nặng nề cho mẹ và thai nhi. Theo thống kê trên thế giới, tỷ lệ sản phụ mắc bệnh tương đối cao, chiếm khoảng 2-5% tổng số thai kỳ.

Bệnh lý này có 3 nhóm triệu chứng điển hình: Thứ nhất là tăng huyết áp. Thứ hai là phù, đầu tiên là phù ở chân, sau đó xuất hiện tình trạng phù toàn thân. Thứ ba là xét nghiệm thấy bệnh nhân có protein trong nước tiểu.

Ngoài ra, với những bệnh nhân bị tiền sản giật nặng, có biến chứng thì có thể xuất hiện thêm các dấu hiệu suy chức năng gan, thận, thậm chí thai chậm tăng trưởng trong tử cung, thai lưu hoặc có biến chứng như rau bong non. Một số trường hợp khi bị sản giật xảy ra thì nguy hiểm đến tính mạng của sản phụ và thai nhi.

Tư vấn cho thai phụ tại bệnh viện phụ sản Hà Nội - Ảnh BVCC

Tư vấn cho thai phụ tại bệnh viện phụ sản Hà Nội - Ảnh BVCC

Sàng lọc tiền sản giật sớm để điều trị dự phòng, tránh nguy cơ xảy ra

TS.BS Đinh Thúy Linh cho biết: Trước đây, không có cách nào phát hiện sớm bệnh lý tiền sản giật mà chỉ đến khi bệnh lý xảy ra thì bác sĩ mới điều trị triệu chứng để duy trì tuổi thai kéo dài thêm, ổn định tình trạng người mẹ và có thể cho thai nhi cứng cáp hơn.

Việc điều trị chỉ kết thúc khi đã hết giai đoạn thai kỳ. Nhưng với sự phát triển của y học hiện đại ngày nay, ngay từ giai đoạn 11-14 tuần tuổi, thai phụ đã có thể làm các xét nghiệm sàng lọc bệnh tiền sản giật.

“Những năm trở lại đây, chúng tôi có phương pháp xét nghiệm để có thể sàng lọc được bệnh lý này từ giai đoạn rất sớm của thai kỳ, từ 11-14 tuần và đã có thể phát hiện ra những thai phụ có nguy cơ cao khởi phát bệnh lý này. Khi sản phụ bị bệnh này thì các bác sĩ sẽ điều trị dự phòng.

Hiện nay, điều trị dự phòng bằng aspirin và liều khuyến cáo quanh mức là 150mg và dùng sau bữa ăn vào buổi tối và điều trị dự phòng sẽ diễn ra trước 15 tuần, ngay sau khi có kết quả sàng lọc và thời điểm kết thúc điều trị dự phòng sẽ là 36 tuần” – TS.BS Đinh Thúy Linh cho biết.

Sản phụ cao huyết áp dễ bị tiền sản giật - Ảnh BVCC

Sản phụ cao huyết áp dễ bị tiền sản giật - Ảnh BVCC

Cũng theo TS.BS Đinh Thúy Linh, việc xét nghiệm sàng lọc sớm có thể giảm đáng kể tỷ lệ thai phụ mắc bệnh này. “Với tiền sản giật khởi phát trước 32 tuần thì có thể giảm tỷ lệ tiền sản giật xuống hơn 80% và tỷ lệ tiền sản giật sinh non trước 37 tuần lên đến hơn 60 đến gần 70%” – TS.BS Đinh Thúy Linh nhận định.

Ở Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, quy trình sàng lọc tiền sản giật được tiến hành theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt, gồm 4 bước: Khai thác về tiền sử (yếu tố thông tin của thai phụ, bao gồm cả chiều cao cân nặng, các bệnh lý nội khoa, tuổi, dịch tễ có tăng huyết áp, đái tháo đường hay bệnh lý mạn tính khác), đo doppler động mạch tử cung để đánh giá doppler động mạch tử cung hai bên, đo huyết áp hai tay, siêu âm bụng đo chỉ số xung động mạch tử cung.

“Với những bn muốn làm xét nghiệm sàng lọc tiền sản giật thì tất cả các thai phụ nên thực hiện sàng lọc tiền sản giật, không nhất thiết là những người có nguy cơ cao là con so hay béo phì, bệnh lý toàn thân…

Thời điểm sàng lọc rơi đúng vào thời điểm các sản phụ làm siêu âm 4 chiều, đo độ mờ da gáy hoặc đo doppler thì làm luôn vào thời điểm đấy. Như vậy là một lần lấy máu, các sản phụ có thể làm được tất cả các xét nghiệm cùng một lúc, thời điểm dao động khoảng 11 đến 14 tuần, nếu có nguy cơ cao thì điều trị dự phòng luôn” – TS.BS Đinh Thúy Linh khuyến cáo

Từ thời điểm tuần 11 tuần - 13 tuần 6 ngày của thai kỳ, thai phụ có thể thực hiện sàng lọc tiền sản giật gồm 3 bước:

- Đo huyết áp

- Siêu âm đo doppler động mạch tử cung

- Lấy máu xét nghiệm

Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội thực hiện sàng lọc tiền sản giật từ quý I thai kỳ dành cho tất cả các thai phụ ở tuổi thai 11 tuần - 13 tuần 6 ngày.

Theo Đời sống
Trẻ 1 tháng tuổi có u quái nặng gần 1 kg trong dạ dày

Trẻ 1 tháng tuổi có u quái nặng gần 1 kg trong dạ dày

U quái dạ dày ở trẻ em cực kỳ rất hiếm gặp, đặc biệt ở trẻ sơ sinh. Theo y văn, tổng cộng trên thế giới chưa tới 100 ca. Việt Nam trên y văn chưa ghi nhận trường hợp nào u quái dạ dày ở trẻ sơ sinh.
back to top