Cứu sống sản phụ và thai nhi bị tiền sản giật, tiên lượng tử vong

Hội chứng Hellp là một thể nặng nhất của tiền sản giật nặng, rất nguy hiểm trong thai kỳ nên sản phụ cần chú ý phát hiện kịp thời đảm bảo tính mạng cho cả mẹ và con.

Vừa hồi sức vừa phẫu thuật để cứu 2 mẹ con

Ngày 10/4, bệnh viện Trung ương Thái nguyên cho biết đã cấp cứu, phẫu thuật lấy thai, điều trị và chăm sóc tích cực cứu sống cả mẹ và con sản phụ bị hội chứng hellp do tiền sản giật nặng.

Theo đó, sản phụ C.T.H, 35 tuổi, mang thai con thứ 3 ở tuần thứ 38 đến từ huyện Văn Quan, Lạng sơn.

Trước đó ngày 19/3, sản phụ H được chuyển từ Bệnh viện huyện Võ Nhai xuống Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên trong tình trạng lơ mơ, da xanh sạm niêm mạc nhợt, phù toàn thân, đau thượng vị, huyết áp cao (180/120mmHg), tim thai chậm (80 - 90 chu kỳ/ phút). Kết quả xét nghiệm máu của sản phụ tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho thấy, một số chỉ số tăng và giảm bất thường, đáng chú ý là chỉ số 𝐁𝐢𝐥𝐥𝐢𝐫𝐮𝐛𝐢𝐧 toàn phần và trực tiếp tăng cao (𝟏𝟐𝟓,𝟒 𝐦𝐨𝐥/𝐋 𝐯𝐚̀ 𝟕𝟗,𝟖 𝐦𝐨𝐥/𝐋), 𝐋𝐃𝐇: 𝟔𝟗𝟏𝟏 𝐔/𝐋 cùng rối loạn đông máu nặng. Bước đầu sản phụ được chẩn đoán bị Hội chứng hellp do tiền sản giật nặng, suy thai, tiên lượng tử vong mẹ và con cao.

Được sự chỉ đạo từ Ban Giám đốc và dựa trên kết quả hội chẩn chuyên khoa, sản phụ ngay lập tức được chỉ định phẫu thuật lấy thai theo phương án vừa hồi sức vừa phẫu thuật. Sau hơn 1 giờ, ca phẫu thuật đã thành công ngoài mong đợi.

Cứu sống cả mẹ và con bị tiền sản giật, suy thai, tiên lượng tử vong

Cứu sống cả mẹ và con bị tiền sản giật, suy thai, tiên lượng tử vong

Thông tin từ các kíp bác sĩ phẫu thuật cho biết: Quá trình phẫu thuật lấy thai gặp nhiều khó khăn do sản phụ có tình trạng rối loạn đông máu nặng, ổ bụng có nhiều dịch hồng, tử cung xuất hiện nhiều ổ nhồi máu rải rác (do tình trạng co mạch kéo dài gây thiếu máu, khiến tổn thương lớp nội mô mạch máu, kết tập tiểu cầu và lắng đọng Fibrin dẫn đến tắc mạch, vỡ mạch. Tổn thương này có thể gặp ở các phủ tạng như gan, thận, tuỵ, tử cung và là nguyên nhân dẫn đến suy đa phủ tạng và rối loạn đông máu).

Nhận thấy sản phụ có nguy cơ cao bị chảy máu do rối loạn đông máu nên kíp phẫu thuật đã tiến hành thắt động mạch tử cung hai bên, khâu Blynk để hạn chế lượng máu đến tử cung, ngăn chặn tình trạng chảy máu và bảo tồn được tử cung.

Sau phẫu thuật, tình trạng rối loạn đông máu nặng do hội chứng HELLP gây ra vẫn tiếp tục diễn biến. Sản phụ được chuyển khoa Hồi sức tích cực - Chống độc với phác đồ điều trị tốt nhất trong từng giai đoạn, như: kiểm soát huyết áp, cân bằng nước điện giải, truyền tiểu cầu, huyết tương và lọc máu.

Sau 15 ngày điều trị tích cực, tình trạng suy gan cấp, tổn thương thận cấp và rối loạn đông máu có nhiều tiến triển, sản phụ được chuyển về khoa Sản tiếp tục theo dõi và điều trị. Tại đây, sản phụ ăn uống bình thường, đi lại nhẹ nhàng trong buồng bệnh và cho con bú.

Hạnh phúc của vợ chồng sản phụ khi cả mẹ và con được cứu sống - Ảnh BVCC

Hạnh phúc của vợ chồng sản phụ khi cả mẹ và con được cứu sống - Ảnh BVCC

Phát hiện sớm đảm bảo an toàn cho mẹ và bé

Theo BSCKII. Hoàng Đức Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Sản phụ khoa, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên: Hội chứng hellp là một biến chứng hiếm gặp (chiếm 0,1% đến 1% các trường hợp mang thai) và là một thể nặng nhất của tiền sản giật nặng, rất nguy hiểm trong thai kỳ, bao gồm tan máu, tăng men gan, giảm tiểu cầu tổn thương đa cơ quan, thường đi kèm ở sản phụ có tăng huyết áp trong quá trình mang thai.

Do đó để có một thai kỳ khoẻ mạnh, sản phụ nên đi khám thai định kỳ thường xuyên, nhất là trong 03 tháng cuối thai kỳ. Không chỉ là siêu âm đơn thuần mà sản phụ phải được khám toàn diện, theo dõi huyết áp, xét nghiệm máu - nước tiểu khi cần thiết cũng như tư vấn về dinh dưỡng...

Qua đó, kịp thời phát hiện các dấu hiệu của tiền sản giật, hội chứng hellp hay bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khác, đảm bảo an toàn sức khoẻ cho mẹ và thai nhi.

Dấu hiệu tiền sản giật

Tiền sản giật đôi khi phát triển mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Huyết áp cao có thể phát triển chậm hoặc có thể khởi phát đột ngột. Theo dõi huyết áp của sản phụ là một phần quan trọng của chăm sóc trước sinh, vì dấu hiệu tiền sản giật đầu tiên thường là tăng huyết áp thai kỳ. Huyết áp vượt quá 140/90 mmHg hoặc cao hơn và được ghi nhận trong hai lần, mỗi lần cách nhau ít nhất bốn giờ thì được xem là bất thường.

Các dấu hiệu và triệu chứng khác của tiền sản giật có thể bao gồm:

-Protein dư thừa trong nước tiểu của sản phụ (protein niệu) hoặc các dấu hiệu của các vấn đề về thận.

- Nhức đầu dữ dội.

- Thay đổi về thị lực, bao gồm mất thị lực tạm thời, mờ mắt hoặc nhạy cảm với ánh sáng.

- Đau bụng trên, thường là dưới xương sườn ở bên phải.

- Buồn nôn hoặc nôn.

- Lượng nước tiểu giảm.

- Giảm mức độ tiểu cầu trong máu.

- Chức năng gan suy giảm.

- Khó thở

- Tăng cân đột ngột và phù, đặc biệt là ở mặt và tay. Nhưng những điều này cũng xảy ra ở nhiều trường hợp mang thai bình thường, vì vậy các triệu chứng này không được coi là dấu hiệu đáng tin cậy của tiền sản giật.

Theo Đời sống
Lại chuyện lợi dụng quyền lực… phải trả giá nặng nhất?!

Lại chuyện lợi dụng quyền lực… phải trả giá nặng nhất?!

Những người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng quyền lực trong hai vụ án liên quan Tập đoàn Thuận An, Phúc Sơn gần đây cho thấy, đồng tiền, lòng tham đã làm lu mờ phẩm chất, sự liêm chính dẫn đến sa ngã trước những “viên đạn bọc đường”.
Hiến giọt máu đào - Trao đời sự sống

Hiến giọt máu đào - Trao đời sự sống

Ngày 24/4, Công đoàn, Đoàn Thanh niên Liên hiệp Hội Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức chương trình hiến máu với chủ đề “Hiến giọt máu đào -Trao đời sự sống”.
back to top