“Yêu vợ” máu theo tinh ra ngoài

Bạn Lê Quang Thanh (Tam Nông, Phú Thọ) nhờ chuyên gia Báo Khoa học & Đời sống lý giải về “căn bệnh khó nói”. Theo đó, gần đây sau khi giao hợp với vợ thấy xuất hiện có ra máu lẫn với tinh dịch, có lần máu đỏ, có lần máu đen. Xin hỏi, bệnh có nguy hiểm không? Cách chữa thế nào?
xuất tinh ra máu

Xuất tinh ra máu cần đi khám để tìm nguyên nhân.

Rất cảm ơn bạn đã mạnh dạn đưa ra câu hỏi với chuyên mục của báo Khoa học & đời sống. Như bạn mô tả thì tình trạng của bạn có thể được coi là dấu hiệu xuất tinh ra máu.

Đây là một triệu chứng của nhiều nguyên nhân khác nhau và cần phải được tiếp cận sớm, điều trị sớm. Bình thường môi trường sinh tinh và bên trong đường dẫn tinh dịch ra ngoài không được phép có sự hiện diện của máu, khi có sự hiện diện của máu trong khu vực này (nhìn được bằng mắt thường) sẽ làm cho tinh dịch xuất ra có màu sắc khác thường như màu đỏ tươi, dây máu (máu vừa chảy ra), hay đỏ nâu, ghỉ sắt (máu bị đọng lại).

Đây là tình trạng xuất tinh máu đại thể. Còn khi ra máu rất ít và không thấy rõ, mà chỉ xét nghiệm soi trên kính hiển vi mới thấy có hồng cầu trong tinh dịch thì được coi là tình trạng xuất tinh ra máu vi thể.

Một số trường hợp sau cũng được coi là xuất tinh ra máu: Chảy rỉ máu ở lỗ đái ngay sau xuất tinh, hoặc đái ra máu ngay sau lần xuất tinh.

Cần phân biệt được xuất tinh ra máu với các trường hợp có máu trong tinh dịch khác gây chảy máu ở bên ngoài như: Đứt phanh hãm, rách vòng bao quy đầu, các trường hợp chấn thương, hay đơn giản với máu kinh của người phụ nữ, với máu do tổn thương cơ quan sinh dục của người phụ nữ…

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra xuất tinh ra máu thường gặp nhất là do viêm nhiễm đường sinh dục (như viêm túi tinh, viêm tiền liệt tuyến, viêm mào tinh, viêm tinh hoàn… các tình trạng viêm viêm này hay gặp người trẻ và thường là lành tính), có thể do giãn vỡ các mao mạch ở niêm mạc đường dẫn tinh (giãn vỡ tĩnh mạch ụ núi niệu đạo tiền liệt tuyến, ống phóng tinh), có thể do nang sỏi túi tinh, ống phóng tinh, có thể do rối loạn đông máu (hay gặp trong các bệnh suy gan, các bệnh về máu…), có thể máu trong tinh dịch đến từ các bệnh lý khối u như ung thư tinh hoàn, ung thư tiền liệt tuyến… thường phải xem xét rất kỹ với tình trạng xuất tinh ra máu ở người lớn tuổi để loại trừ những nguyên nhân khối u này.

Việc can thiệp hay điều trị tình trạng này cần căn cứ vào nguyên nhân gây ra bệnh để có phương pháp điều trị thích hợp.  Vì vậy, Bạn nên đến các cơ sở chuyên sâu về nam khoa để được thăm khám và chữa trị sớm triệt để.

BS Nguyễn Bá Hưng

Bệnh viện nam học và hiếm muộn Hà Nội

Theo Đời sống
back to top