Ảnh: Gần 90 tuổi, ông Lê Quang Hào vẫn minh mẫn, mạnh khỏe.
Ghìm nỗi đau để động viên vợ con
Tuổi thơ của ông Lê Quang Hào đầy nhọc nhằn lam lũ. Ông là người ham học từ nhỏ, bấy giờ ở làng xã chưa có trường lớp, ông phải khăn gói một mình đi tìm thầy ở huyện khác để học. Nhưng vì nhà nghèo ông đành phải bỏ học về giúp đỡ bố mẹ.
Ông là con trai duy nhất trong gia đình, lại là người có tâm nên ông rất hiểu tâm lý người mang bệnh tật và biết cách chăm sóc sức khỏe cho người già. Đặc biệt là biết vượt qua bệnh tật, vượt qua nỗi đau để làm giàu thêm tuổi thọ của mình.
Cuộc đời ông Lê Quang Hào gặp rất nhiều mất mát đau thương. Gần 10 năm vợ chồng ông chăm sóc nuôi dưỡng mẹ già bệnh tật ốm đau, đôi mắt lại bị mù lòa. Vậy mà không bao giờ để mẹ phải khổ phải buồn. Đến năm 1969 thì cụ qua đời, ông thương nhớ mẹ, chiều nào cũng thơ thẩn ra ngoài mộ để thắp hương.
Nỗi đau chưa kịp nguôi ngoai thì đến đầu năm 1971 ông nhận được giấy báo tử của người con trai hy sinh ở mặt trận Quảng Trị. Sức khỏe của cả nhà gần như suy sụp.Vợ ông thương con khóc nhiều quá, nghĩ nhiều quá đã có lúc nhớ nhớ quên quên. Một lần nữa ông lại phải ghìm nỗi đau để tìm lời thật tâm lý nhẹ nhàng động viên vợ con cùng nhau vượt qua nỗi đau ấy.
Hết lòng chăm sóc vợ ốm
Năm 1993 ông Lê Quang Hào đang là chi hội trưởng Hội Người cao tuổi thì mắc bệnh đau dạ dày. Ông phải đi viện điều trị hàng tháng trời. Vợ con khuyên ông nên nghỉ việc về đỡ đần con cháu. Nhưng ông quyết tâm vượt qua bệnh tật.
Ông thường bảo, ăn được nhiều chưa chắc đã khỏe mà phải biết ăn theo đúng khoa học mới khỏe. Ăn uống tùy tiện thì không bao giờ khỏe, nhất là người đang mang bệnh. Từ đó, mọi sinh hoạt ăn uống đến luyện tập ông đều thực hiện theo đúng hướng dẫn của bác sỹ. Với nghị lực của mình, ông đã vượt qua được đau đớn của bệnh tật và công tác tốt.
Đến nay ông đã có 10 năm làm chi Hội trưởng NCT và 4 năm là ủy viên ban thường vụ hội NCT của xã. Đặc biệt từ năm 1998, làng ông thành lập CLB thơ. Ông là hội viên đầu tiên được kết nạp và cho đến bây giờ ông vẫn là một hội viên nhiệt tình tâm huyết. Tập thơ nào ra đời ông cũng có bài đăng. Những buổi đi giao lưu với các CLB xã bạn ông thường xuyên đi dự và tự trình bày thơ của mình.
Vợ chồng ông Lê Quang Hào sống rất giản dị khiêm tốn và hết lòng thương yêu nhau. Lúc khỏe thương nhau bao nhiêu thì lúc ốm đau lại càng thương nhiều bấy nhiêu. Nhất là khi đã về già, những ngày cuối đời bà lâm bệnh nặng phải nằm hơn 1 năm trời.
Bấy giờ hai ông bà đã ở tuổi 80, nhưng ông luôn ở bên giường bệnh để chăm sóc bà. Ông tâm sự: “Nhiều người không phải chết vì già, vì bệnh mà có khi chết vì buồn vì cô đơn lúc lâm bệnh nặng”. Có lẽ vì thế mà ông không muốn rời bà bên giường bệnh. Năm 2010 bà qua đời, ông đau buồn như hai cái tang của mẹ của con ngày trước. Nhưng rồi nghị lực của ông lại được vươn lên để vượt qua nỗi đau .
Cả cuộc đời ông Lê Quang Hào gắn bó với mảnh vườn đồng ruộng của quê hương. Gần 90 năm biết bao nhiêu là niềm vui và nỗi buồn. Cầu mong cho ông có nhiều sức khỏe để tiếp tục hoạt động sôi nổi trong các phong trào của địa phương.
Lê Văn Thục (Phú Thọ)