Vì sao trẻ ăn nhiều, ngủ nhiều nhưng không tăng cân?

Ăn đủ, ăn đúng và cân đối các chất dinh dưỡng theo nhu cầu cơ thể là điều kiện cần thiết để cho quá trình tăng trưởng và phát triển cơ thể. Đồng thời, cần phải có giấc ngủ ngon, ngủ đủ thời gian và giấc ngủ sâu.

Trẻ ăn nhiều nhưng không tăng cân nguyên nhân không phải chỉ do hấp thu kém mà còn do nhiều nguyên nhân khác nữa:

Trẻ ăn nhiều nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu về năng lượng (chưa đủ no)

Nhiều cha mẹ khi cho trẻ ăn từ 5 – 6 lần/ngày đã cho rằng trẻ ăn no và đủ nhu cầu. Tuy nhiên, khái niệm “nhiều” của bố mẹ chưa đáp ứng đủ nhu cầu về năng lượng, chưa đủ các chất dinh dưỡng và chưa hợp lý so với nhu cầu của trẻ.

Trẻ càng nhỏ, thì nhu cầu về năng lượng và các chất dinh dưỡng càng cao, nên từng bữa ăn trong ngày cần đảm bảo đủ về số lượng thực phẩm và đa dạng các loại thực phẩm, các thực phẩm ở tỷ lệ cân đối hợp lý giữa thực phẩm nguồn gốc động vật và thực vật.

Đối với trẻ em thì chế độ ăn cần tuần tự từ các thức ăn lỏng như sữa, chuyển đến bột loãng, bột đặc rồi cháo và cơm. Nguyên tắc cho trẻ ăn hàng ngày như:

· Trẻ 6 tháng đầu hoàn toàn bú mẹ.

· Từ 6 tháng trở lên cùng với sữa mẹ tập cho trẻ ăn bổ sung mỗi ngày 1-2 bữa bột loãng, quấy đặc dần, mỗi bữa 4-5 thìa bột (tương đương 20-30 ml).

· Trẻ từ 7-8 tháng tuổi: bú mẹ + 3 bữa bột đặc (2/3 bát mỗi bữa và quả nghiền)

· Trẻ 9-11 tháng tuổi: bú mẹ + 3 bữa bột hoặc cháo (3/4 bát mỗi bữa) + 1 bữa phụ.

· Trẻ 12 - 24 tháng tuổi: bú mẹ + 3 bữa cháo đặc hoặc cơm nát (1 bát mỗi bữa) + 2 bữa phụ.

· Trẻ 25 - 36 tháng tuổi: 3 bữa chính + 2 bữa phụ.

Trẻ ăn nhiều nhưng không tăng cân cần đưa đi khám và tư vấn dinh dưỡng để có hướng dẫn và xử lý kịp thời - Ảnh minh họa

Trẻ ăn nhiều nhưng không tăng cân cần đưa đi khám và tư vấn dinh dưỡng để có hướng dẫn và xử lý kịp thời - Ảnh minh họa

Trẻ ăn nhiều nhưng chưa đủ các chất dinh dưỡng và chưa hợp lý (chất lượng bữa ăn)

Trẻ ăn đủ năng lượng, nhưng thiếu về chất lượng bữa ăn, thiếu các chất dinh dưỡng và tỷ lệ các chất dinh dưỡng không hợp lý cũng là nguyên nhân chính khiến bé không tăng cân. Nhiều bà mẹ còn mắc sai lầm khi chỉ cho trẻ ăn đơn điệu, thường xuyên với một số nhóm thực phẩm, không thay đổi và đa dạng các loại thực phẩm.

Bữa ăn hàng ngày của trẻ cần cung cấp đủ 4 nhóm thực phẩm gồm chất bột đường (glucid), chất đạm (protein), chất béo (lipid), rau xanh và quả chín (vitamin, khoáng chất và chất xơ). Các chất đạm, lipid ở tỷ lệ cân đối và hợp lý giữa nguồn gốc động vật và thực vật.

Đặc biệt, cần cung cấp đủ các vi chất dinh dưỡng cần thiết như vitamin A, sắt, kẽm, vitamin D, can xi,…

Trẻ ăn đủ nhu cầu về số lượng và chất lượng các chất dinh dưỡng nhưng việc tiêu hóa, hấp thu các chất dinh dưỡng kém (tỷ lệ thải bỏ các chất dinh dưỡng nhiều) hoặc do hiếu động, hoạt động thể lực nhiều dẫn đến nhu cầu cao hơn về năng lượng và các chất dinh dưỡng.

Việc trẻ ăn nhiều nhưng không tăng cân còn có thể xuất phát từ một số nguyên nhân như tiêu hóa và hấp thu kém các chất dinh dưỡng.

Tình trạng hấp thu kém có thể xuất phát từ một số nguyên nhân bệnh lý: Trẻ bị rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón, bất dung nạp thức ăn, trào ngược dạ dày thực quản, hay nôn trớ, đầy bụng, khó tiêu,…; Trẻ bị sinh non tháng, suy dinh dưỡng bào thai, bà mẹ khi có thai thiếu các vi chất dinh dưỡng; ngoài ra có một số bệnh lý khác như nhiễm giun sán, thiếu hụt men tiêu hóa,…

Cần đưa trẻ đi khám và tư vấn dinh dưỡng, đưa trẻ tới các bệnh viện chuyên khoa để có hướng dẫn và xử lý kịp thời.

Khi hoạt động thể lực nhiều sẽ đốt cháy nhiều calo hơn so với trẻ ít vận động. Năng lượng và các chất dinh dưỡng đưa vào từ thức ăn không đủ để đáp ứng cho cơ thể dẫn đến trẻ khó tăng cân.

Tuy nhiên, cha mẹ không nên hạn chế hoạt động thể lực của trẻ vì đây là yếu tố quan trọng cho sự phát triển thể chất và tinh thần. Thay vào đó, hãy khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể lực phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe, đồng thời cần cung cấp thêm cho trẻ chế độ dinh dưỡng bị thiếu hụt do hoạt động thể lực.

Trẻ ngủ nhiều nhưng không tăng cân

Trẻ ngủ nhiều, nhưng giấc ngủ không ngon, giấc ngủ không sâu, ngủ không đủ thời gian là do một số nguyên nhân như thiếu vi chất dinh dưỡng (can xi, thiếu máu, thiếu kẽm, thiếu magie), nhiễm giun sán, do môi trường,…

Mỗi lứa tuổi thời gian ngủ khác nhau, trẻ càng nhỏ thời gian ngủ càng nhiều:

· Trẻ sơ sinh: ngủ 16 - 18h/ ngày, trừ những lúc thức để ăn còn lại là trẻ ngủ,

· Trẻ: 2 - 12 tháng ngủ 14 -16h/ ngày,

· Trẻ 13 – 36 tháng ngủ 12 – 14h/ ngày,

· Trẻ từ 3 – 5 tuổi cần ngủ 10 – 12h/ ngày,

· Từ 6 tuổi – 10 tuổi cần ngủ 10 – 11h/ ngày,

· Từ 10 tuổi trở lên ngủ bằng người lớn 8h/ ngày.

Giấc ngủ có vai trò quan trọng trong sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ. Khi ngủ đủ giấc tinh thần luôn phấn khởi, hoạt bát, giúp trẻ tăng trưởng tốt hơn. Khi ngủ, hormone tăng trưởng được tiết ra kích thích sự phát triển về thể chất của trẻ.

Vì vậy, tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để cho trẻ có một giấc ngủ ngon, tập thói quen cho trẻ ngủ đúng giờ, có như vậy trẻ mới ăn ngon mau lớn và khỏe mạnh.

ThS.BS Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng quốc gia)

Theo Đời sống
Mướp đắng rất tốt nhưng ai không nên ăn?

Mướp đắng rất tốt nhưng ai không nên ăn?

Không chỉ tạo nên các món ăn ngon, mướp đắng còn giúp cải thiện chức năng tim mạch, hỗ trợ điều trị tiểu đường, giúp giảm cholesterol máu. Tuy nhiên vẫn có một số người có thể gặp vấn đề khi sử dụng loại quả này.
back to top