Stress khiến tóc rụng nhiều ở người trẻ
ThS.BS Hoàng Văn Tâm, Phó Trưởng khoa Điều trị nội trú ban ngày - Bệnh viện Da liễu Trung ương, rụng tóc luôn là nỗi ám ảnh, thậm chí nó là một nguyên nhân gây căng thẳng cho mọi người, nhất là với phụ nữ. Tình trạng này có lẽ sẽ trầm trọng hơn khi mùa rụng tóc sinh lý gần tới.
Bình thường tóc chúng ta có các sợi anagen chiếm khoảng 90%. Đây là các sợi tóc đang ở giai đoạn phát triển, sau đó chuyển qua giai đoạn catagen. Cuối cùng, tóc ở giai đoạn telogen (chiếm khoảng 10%) là giai đoạn tóc bắt đầu thoái triển và rụng để bắt đầu 1 chu kì mới.
Tóc ở giai đoạn anagen kéo dài khoảng vài năm, trong khi giai đoạn telogen kéo dài 2-3 tháng. Vì có giai đoạn này nên tóc của chúng ta có thể rụng hàng ngày, đây cũng là dấu hiệu bình thường của cơ thể. Mỗi ngày cơ thể cho phép rụng khoảng 100-150 sợi.
Tuy nhiên, BS Tâm cho biết khi tóc rụng quá nhiều khoảng hơn 100-150 sợi/ngày mới được coi là bất thường.
Vì sao người trẻ tuổi lại bị rụng tóc nhiều? |
Ngoài những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến rụng tóc như: lạm dụng hóa chất nhuộm tóc, nhuộm với tần suất dày khiến tóc gãy, chẻ và hư tổn; sử dụng lượng nhiệt cao; buộc tóc gây co kéo (tạo một áp lực đè lên phần cấu trúc của nang tóc, da đầu) thì nội tiết, stress, lo âu, thói quen sinh hoạt thiếu khoa học hay yếu tố dinh dưỡng cũng ảnh hưởng rất lớn đến tóc.
Tóc liên quan hoạt động căng thẳng thần kinh rất nhiều. Khi stress, chúng ta sẽ đẩy những nang tóc trong giai đoạn phát triển tiến dần vào trạng thái ngừng hoạt động.
Hoặc khi căng thẳng, chúng ta có thói quen sờ tay lên da đầu, nhổ tóc, nhất là với học sinh. Với bệnh lý rụng tóc thể mảng (rụng thành đám như đồng xu, ngón tay, lòng bàn tay hay toàn bộ da đầu), theo thống kê có tới 80-90% bệnh nhân mắc bệnh này liên quan stress.
Các nghiên cứu chỉ ra, stress làm tăng giai đoạn telogen, khiến giai đoạn rụng tóc dài ra, số lượng tóc rụng nhiều hơn.
Tóc là một phần cơ thể, cũng cần được nuôi dưỡng. Sau những đợt ốm đau, như sốt xuất huyết, Covid-19, phải phẫu thuật; thực hiện chế độ ăn kiêng, giảm cân; hay sau sinh..., nhiều người có hiện tượng rụng tóc. Điều này do chúng ta giảm cung cấp dinh dưỡng cho tóc.
Nang tóc chứa các tế bào hoạt động mạnh, thay đổi chu kỳ nhiều, cần nhiều nguồn năng lượng, dinh dưỡng. Khi bản thân ốm đau, chúng ta sẽ đẩy dinh dưỡng đi hỗ trợ các cơ quan, bộ phận cần sự sống, điều này sẽ gây thiếu hụt dinh dưỡng cho nang tóc.
Liên quan đến chế độ dinh dưỡng, với các bạn trẻ, nhất là thanh thiếu niên, cần lưu ý đồ ăn nhanh là nguyên nhân thiếu các vi chất và các vitamin tổng hợp cần thiết trong cơ thể.
Giấc ngủ, căng thẳng, hút thuốc, uống rượu bia đều liên quan rụng tóc. Vì thế, chúng ta nên ngủ sớm trước 23h, hạn chế căng thẳng, tăng cường bài tập thể lực, hạn chế tối đa rượu bia, đặc biệt tránh xa khói thuốc lá.
Về chế độ dinh dưỡng, sắt, vitamin D là những yếu tố đóng vai trò lớn trong hình thành nang tóc. Nên giảm bớt những đồ ăn nhanh, bổ sung vitamin và các yếu tố tổng hợp, tốt nhất là được bác sĩ khám, đánh giá để sử dụng các vitamin phù hợp tình trạng nhất. Các bạn trẻ không nên nhuộm tóc nhiều, không nên sử dụng các hóa chất ảnh hưởng tới cấu trúc nang tóc và da đầu.
Hiểu đúng rụng tóc theo mùa để không còn lo lắng
Vào tháng 4 và tháng 7 được xem là thời điểm tóc rụng nhiều nhất vì vậy mà người ta hay gọi mùa rụng tóc, khiến nhiều chị em bị ám ảnh bởi cảnh 'tóc gió thôi bay'
Rụng tóc theo mùa là rụng tóc có tính chất chu kì của cơ thể cũng giống như mùa lá rụng hay mùa thay lông của động vật. Trong nghiên cứu của Kunz đỉnh điểm rụng tóc theo mùa vào tháng 4 và tháng 7 hàng năm.
Mùa đông tóc ít rụng hơn bởi vì thời tiết lạnh nên cơ thể con người cũng cần có 1 bộ tóc dày nhất chống lại lạnh. Đây cũng là 1 trong những yếu tố thích nghi của cơ thể với môi trường.
ThS. BS Tâm lý giải tóc rụng theo mùa bởi vì tóc chúng ta đến giai đoạn telogen sẽ bị rụng sau khoảng 2-3 tháng. Tuy nhiên những sợi tóc này về mùa đông sẽ không rụng để chúng ta chống lại cái lạnh.
Vì thế nó sống sót thêm vài tháng nữa trước khi đến tháng 4 và tháng 7 sẽ bắt đầu rụng hàng loạt. Điều này lý giải vì sao cứ đến thời điểm này nhiều người rơi vào cảnh “tóc gió thôi bay".
Việc tóc chuyển qua các giai đoạn cũng chính là quá trình lão hóa bình thường. Dưới tác động ánh sáng mặt trời lên tóc của chúng ta, làm cho những sợi tóc già cỗi rụng để thay bằng các sợi tóc trẻ khỏe hơn để chuẩn bị cho 1 chu kì tiếp theo.
BS Tâm khuyến cáo về cơ bản tóc sẽ mọc trở lại theo đúng quy luật nên chúng ta không cần lo lắng và can thiệp. Nếu có điều kiện có thể thể bổ sung vitamin, cystein, sắt…
Trường hợp rụng tóc bệnh lý đó là rụng nhiều, rụng không mọc lại, rụng tạo thành các vùng hói. Người bệnh rụng tóc cảm giác tóc không hề mọc lại, bằng chứng rõ nhất là tóc bạn ngày càng mỏng và ít đi.
Đặc biệt, khi xem da đầu bạn sẽ thấy rất ít tóc con được mọc lên thậm chí có những mảng rất thưa tóc có thể là rụng tóc bệnh lý cần điều trị.
Trường hợp rụng tóc bất thường rụng trên 150 sợi một ngày thì bạn cũng nên tìm tới các bác sĩ da liễu. Khi đó, bác sĩ sẽ thăm khám, chụp tóc để tìm chính xác nguyên nhân gây rụng tóc.
Còn trường hợp rụng tóc sinh lý theo chu kỳ phát triển của tóc, rụng theo mùa, tóc rụng rồi sẽ mọc lại chị em không nên quá lo lắng, ám ảnh.