Thăm khám và chữa trị cho bệnh nhân bị thủy đậu
Tại Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch Lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, có trường hợp bệnh nhân B.T.M.H (27 tuổi, ở Sơn Dương, Tuyên Quang) tiền sử mắc Lupus ban đỏ hệ thống 7 năm ròng.
Bệnh nhân này còn mắc thêm hội chứng Raynaud, phải cắt 4 đốt ngón tay hai bên, hoại tử ngón chân 4,5 trái chưa cắt.
Ngày 1/3, bệnh nhân H. được chuyển sang Khoa Truyền nhiễm với triệu chứng sốt ngày thứ 2 và xuất hiện ban phỏng nước rải rác vùng cẳng tay, thân mình. Sau đó chỉ một ngày, bệnh nhân khó thở, gắng sức, ho ít, thể trạng suy kiệt…
Phim chụp XQ, xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị biến chứng viêm phổi nặng sau thủy đậu, trên nền lupus ban đỏ hệ thống/hoại tử đầu chi. Hiện, bệnh nhân đang được điều trị tích cực, phải thở ô xy, song tiên lượng rất dè dặt.
TS.BS Đỗ Duy Cường – Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Bệnh thuỷ đậu là bệnh truyền nhiễm do virus varicella zoster, lây qua đường hô hấp, thường gặp ở trẻ em.
Bệnh có thể gặp ở người lớn khi tiếp xúc với người bệnh nếu người đó chưa mắc bệnh, hoặc bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh tự miễn hệ thống. Bệnh thủy đậu ở người lớn có xu hướng nặng hơn trẻ em”.
“Trong mùa đông xuân năm nay, khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận và điều trị hàng trăm trường hợp người lớn mắc thủy đậu và cũng có tới hàng chục ca bị biến chứng như: Bội nhiễm nốt phỏng da, viêm phổi, viêm não… Các ca có biến chứng viêm phổi, viêm não nguy cơ tử vong cao” – TS.BS Đỗ Duy Cường cho biết.
Còn theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm – Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương: “Khi khởi phát, người mắc bệnh thủy đậu có thể có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, một số trường hợp nhất là trẻ em có thể không có triệu chứng báo trước”.
Trẻ em bị bệnh thủy đậu điều trị tại Bệnh viện Nhi TW
Mắc bệnh này, cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện những “nốt rạ”. Đây là những nốt tròn nhỏ nổi lên liên tục, nhanh trong vòng 12 – 24 giờ. Các nốt này sẽ tiến triển thành những mụn nước, bóng nước lớn hơn sau đó.
Nốt rạ có thể mọc khắp toàn thân hay mọc rải rác trên cơ thể, số lượng trung bình khoảng 100 – 500 nốt. Trong trường hợp bình thường những mụn nước này khô đi, đóng vảy và tự khỏi hoàn toàn trong 4 – 5 ngày. Ở trẻ em, thủy đậu thường kéo dài khoảng 5 – 10 ngày.
Thông thường, thủy đậu là bệnh lành tính. Nhưng bệnh cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm như: Viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan nếu người bệnh không được chữa trị và chăm sóc đúng.
Một số trường hợp có thể gây chết người nếu không được điều trị kịp thời. Viêm phổi do thủy đậu, ít khi xảy ra hơn, nhưng rất nặng và rất khó trị.
Viêm não do thủy đậu cũng xảy ra. Dấu hiệu biến chứng viêm não có thể nhận biết khá rõ ràng. Sau khi bị thủy đậu, người bệnh bỗng trở nên vật vã, kích thích, nhiều khi kèm theo co giật, hôn mê. Những trường hợp này có thể mang di chứng thần kinh lâu dài dẫn tới điếc, chậm phát triển, động kinh…
“Người mẹ mắc bệnh thủy đậu khi đang mang thai có thể sinh con bị dị tật bẩm sinh sau này”, TS.BS Nguyễn Văn Lâm cho hay.
Theo Chi Lê (VTC.VN)