Trà giúp làm ấm và chống bệnh tật
Khương táo trà chống cảm lạnh: Gừng tươi 20 g, hồng táo 10 quả, đường đỏ lượng vừa đủ. Gừng tươi rửa sạch, thái vụn; hồng táo bỏ hạt, thái vụn. Hai thứ đem hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút dùng được. Khi uống, bạn chế thêm đường đỏ với lượng phù hợp, uống thay trà trong ngày.
Công dụng: Tán phong hàn, ấm tỳ vị, ích khí bổ hư, thường dùng trong những ngày giá rét, đặc biệt tốt với người tỳ vị hư yếu, dễ bị cảm lạnh, đau bụng, rối loạn tiêu hoá, dễ mắc các chứng bệnh đường hô hấp...
Cũng có thể chế biến loại trà này bằng cách: Gừng tươi rửa sạch, giã nát; hồng táo bỏ hạt, thái vụn; hai thứ đem chưng với đường đỏ thành dạng cao đặc, đựng trong lọ kín dùng dần, mỗi lần lấy chừng nửa thìa cà phê chế với nước ấm, uống thay trà.
Hồi hương đường đỏ trà trừ hàn, giảm đau: Tiểu hồi hương 10g, đường đỏ lượng vừa đủ. Tiểu hồi hương rửa sạch, tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được. Lúc dùng, chế thêm đường đỏ với lượng thích hợp, uống thay trà trong ngày.
Công dụng: Ôn trung trừ hàn, hành khí chỉ thống, dùng làm đồ uống thích hợp trong những ngày giá rét.
Theo dược học cổ truyền, tiểu hồi hương vị cay, tính ấm, có công dụng trừ hàn, giảm đau, lý khí hòa vị. Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, tiểu hồi hương có tác dụng điều tiết công năng đường tiêu hóa, chống viêm loét, lợi mật, trừ đàm, giảm ho, bình suyễn, giảm đau, kháng khuẩn, chống ung thư và nâng cao năng lực chống rét của cơ thể.
Trà tiên linh ôn tỳ vị: Tiên linh tỳ 15 g, mộc hương 9 g, thần khúc 20 g. Tất cả sấy khô, tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút uống thay trà trong ngày.
Công dụng: Ôn tỳ trợ vận, noãn trung khai vị, dùng làm trà uống thường xuyên trong mùa lạnh rất tốt, đặc biệt thích hợp với những người có bệnh lý đường tiêu hóa mạn tính như viêm dạ dày, viêm đại tràng, viêm tụy... thuộc thể “Tỳ dương hư” hoặc “Tỳ thận dương hư” với các biểu hiện tinh thần mệt mỏi, nhạt miệng, ăn kém, bụng lạnh đầy và đau, sôi bụng, ăn không tiêu, đại tiện lỏng nát và đi nhiều lần trong ngày.
Trà kỷ tử trường sinh bất lão: Kỷ tử 200g, phúc bồn tử 50g, ngũ gia bì 50g, nhục đậu khấu 30g, nhục quế 30g, thục địa 50g, đẳng sâm 50g. Tất cả sấy khô, tán vụn, đựng trong lọ sứ để dùng dần. Mỗi ngày lấy 30g hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.
Công dụng: Ôn bổ can thận, ích khí dưỡng huyết, kiện tỳ ích vị, làm mạnh gân cốt dùng làm trà uống thường xuyên trong mùa lạnh rất tốt, đặc biệt đối với những người suy nhược cơ thể, đau nhức cơ khớp, tiêu hóa kém, suy giảm ham muốn tình dục.
Uống đủ nước tránh phát sinh bệnh tật
Theo Y học cổ truyền, mùa lạnh, khí âm hàn làm chủ, nên dương khí trong nhân thể dễ bị tổn thương. Bởi vậy, trong việc ăn uống nói chung và dùng trà nói riêng cần trọng dụng các đồ ôn ấm, có tác dụng trừ hàn, bổ dương, dưỡng âm, ôn bổ và điều hòa công năng các tạng phủ, trong đó đặc biệt là hai tạng tỳ và thận.
Nhiều người cho rằng, mùa đông giá lạnh không nóng nực như mùa hè, cơ thể ra ít mồ hôi, vì vậy có thể ít uống nước hoặc không uống nước cũng được. Cũng có người vì không thấy cảm giác khát nên hầu như không chú ý đến việc bổ sung nước cho cơ thể. Trên thực tế, những điều đó là sai lầm.
Một người khỏe mạnh, lượng nước chiếm 60-70% trọng lượng cơ thể với vai trò rất quan trọng trong việc duy trì mọi hoạt động sinh lý bình thường của cơ thể. Nhìn bề ngoài, mùa đông tuy ít ra mồ hôi nhưng ở một người trưởng thành vẫn có chừng 600 ml nước mất đi qua da. Tình trạng này xảy ra mà con người không biết nên được gọi là sự “bốc hơi vô hình”.
Trong quá trình hô hấp, hai lá phổi thu nạp khí oxy, thải ra CO2 phải giữ cho bề mặt ẩm ướt, mỗi ngày chỉ riêng việc này cũng làm cho cơ thể mất đi khoảng 500 ml nước.
Thêm nữa, tiêu hao nước hàng ngày qua đường tiểu tiện. Trung bình mỗi ngày lượng nước cơ thể đào thải khoảng 2500 ml, trong khi đó chỉ có khoảng 1000 ml nước được bù đắp từ các thực phẩm ăn vào, 300 ml nước có được thông qua quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Khoảng 1200 ml nước còn lại nhất thiết phải nhờ vào uống nước sôi, nước giải khát, nước canh để bổ sung mới có thể bảo đảm được sự cân bằng nước trong cơ thể.
Nghiên cứu hiện đại cho thấy, mùa đông cơ thể chỉ cần mất đi 5% nước mà không được bổ sung kịp thời thì da sẽ bị nhăn nheo, cơ bắp cũng mềm yếu, trao đổi chất bị ngưng trệ, con người có cảm giác mệt mỏi, khó chịu, đau đầu, thậm chí còn phát sinh rất nhiều bệnh tật nghiêm trọng khác.
Vậy nên, để duy trì cân bằng nước trong cơ thể, mùa đông cũng cần phải uống nhiều nước. Người lớn mỗi ngày cần uống ít nhất 1200 ml nước. Trong điều kiện thời tiết khô hanh, sưởi ấm hoặc dùng đệm nhiệt đều làm mất nước, việc tăng thêm lượng nước uống vào cơ thể là hết sức cần thiết. Mùa đông cần chủ động bồi phụ nước dù cho không có cảm giác khát, đừng để thấy khát mới uống.
ThS.BS Hoàng Khánh Toàn
Nguyên Chủ nhiệm khoa Đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108