Bệnh nhân nhập viện vì hai triệu chứng chính là chảy máu mũi và ngạt tắc mũi. Chảy máu mũi ồ ạt trong thời gian ngắn có thể đe dọa tới tính mạng của người bệnh.
Phương pháp điều trị hiệu quả hiện nay vẫn là phẫu thuật lấy u. Ngày nay nhờ sự phát triển của chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh – can thiệp, nên việc chẩn đoán dễ dàng hơn, chuẩn bị cho phẫu thuật an toàn hơn, tiên lượng bệnh chính xác hơn. Đặc biệt là chụp mạch và can thiệp mạch đã làm cho việc phẫu thuật lấy u an toàn và hiệu quả hơn.
Chẩn đoán: Dựa vào lâm sàng và cận lâm sàng. Lâm sàng, bệnh nhân nam, trong độ tuổi dậy thì, chảy máu mũi nhiều lần, tái phát, lần sau nặng hơn lần trước, kèm ngạt mũi, một số bệnh nhân có thể thiếu máu; Có thể ù tai, nghe kém thể truyền âm; Soi mũi: Khối u che lấp 1 phần hay toàn bộ cửa mũi sau, u căng, trắng đục, mật độ chắc.
Cận lâm sàng: Dựa vào CT, MRI, chụp mạch cho thấy hình ảnh khối u vùng vòm, mặt độ chắc, kích thước u, sự xâm lấn của u, sự tăng sinh mạch nhiều, liên quan của u với các thành phần xung quanh.
Điều trị: Phẫu thuật vẫn là phương pháp căn cơ điều trị tận gốc u xơ vòm mũi họng. Lấy bỏ khối u, kiểm soát chảy máu tốt.
Trước phẫu thuật phải chuẩn bị bệnh nhân kỹ lưỡng, có thể áp dụng nút mạch trước phẫu thuật hoặc thắt các động mạch trong phẫu thuật (động mạch cảnh ngoài, động mạch hàm trong).
Các điều trị hỗ trợ khác: Điều trị nội tiết, xạ trị...
Tiên lượng: Bệnh nhân có thể tử vong do chảy máu ồ ạt mà không hồi sức kịp thời. Tỷ lệ tái phát từ 11 - 25% tùy theo tác giả, do phẫu thuật còn sót u, đặc biệt là vùng hố chân bướm hàm. Khối u càng lớn, xâm lấn càng trên cao, vùng nền sọ càng nguy hiểm và tỷ lệ tái phát cao cũng như khi phẫu thuật sẽ khó khăn, nguy hiểm hơn nhiều.
ThS.BSCKII Nguyễn Quốc Dũng (Khoa phẫu thuật Đầu – Cổ, Bệnh viện K)