Tưởng đau bụng nhẹ, cô gái 21 tuổi suýt mất mạng vì xuất huyết ruột non

Cô gái 21 tuổi cảm thấy đau âm ỉ vùng bụng, đi vệ sinh phát hiện có máu nên nghỉ ngơi tại phòng. Tuy nhiên, do quá mệt nên bệnh nhân đã ngất xỉu và được bạn cùng phòng đưa vào viện cấp cứu...

Thông tin từ Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM), đơn vị vừa cứu sống bệnh nhân B.T.T.L. (21 tuổi, ngụ quận Tân Phú) bị dị dạng mạch máu ruột non hiếm gặp, nguy hiểm đe dọa tính mạng.

Theo đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng xuất huyết tiêu hóa ồ ạt, đi vệ sinh máu đỏ bầm, phân đen, huyết áp tụt, mạch nhanh, da niêm xanh…

Khai thác bệnh sử, bệnh nhân L. kể khi ngủ dậy cảm thấy đau âm ỉ vùng bụng kèm theo cảm giác muốn đi vệ sinh; đi vệ sinh phát hiện có máu nên nghỉ ngơi tại phòng nhưng do quá mệt nên đã ngất xỉu và được bạn cùng phòng đưa vào viện cấp cứu.

BS Vũ Lộc, trưởng ê-kíp phẫu thuật chia sẻ, sau khi tiếp nhận bệnh nhân, khoa Cấp cứu đã tiến hành hồi sức và hội chẩn kịp thời. Thông thường, những trường hợp đi vệ sinh phân đen sẽ được chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa trên. Bệnh nhân đã được chỉ định nội soi dạ dày cấp cứu và chụp CT bụng để xác định, đánh giá vị trí chảy máu.

Trong quá trình nội soi dạ dày, các bác sĩ không phát hiện vị trí chảy máu ở dạ dày. Chụp CT cản quang bụng, phát hiện dị dạng mạch máu gây chảy máu trong lòng ruột. Các bác sĩ tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa trong đó có ekip can thiệp mạch tạng hỗ trợ, kiểm tra phát hiện bệnh nhân L. bị dị dạng mạch máu ở ruột non.

TS.BS.CKII Hồ Đức - Trưởng Khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Thống Nhất nhận định, trong quá trình chụp phát hiện máu tiếp tục chảy, dị dạng mạch máu to không thể can thiệp trực tiếp nên bệnh viện hội chẩn nhanh với ekip can thiệp mạch, ekip phẫu thuật và lãnh đạo khoa ngoại.

Bệnh nhân tái khám sau 14 ngày phẫu thuật dị dạng mạch máu ruột non. Ảnh SK&ĐS

Bệnh nhân tái khám sau 14 ngày phẫu thuật dị dạng mạch máu ruột non. Ảnh SK&ĐS

Sau hội chẩn, ekip quyết định thả coil vào vị trí chảy máu sau đó chuyển qua cấp cứu ngay lập tức.

Theo BS.CKII Đức, ruột non là đoạn ruột có chiều dài khoảng 4-5m, nhờ việc phối hợp của việc thả coil nên chụp X-Quang C-Arm xác định chính xác vị trí chảy máu trong ruột non.

Ghi nhận bệnh nhân có 3 điểm xuất huyết ở ruột non, ekip phẫu thuật tiến hành cắt bỏ đoạn ruột có điểm tắc mạch và nối lại.

Ca mổ kéo dài 1 tiếng, sau phẫu thuật bệnh nhân L. phục hồi ngoạn mục, chỉ 4-5 tiếng da niêm bệnh nhân L. hồng và có thể ngồi dậy vận động. Sau 5 ngày phẫu thuật, bệnh nhân L. xuất viện.

Đối với xuất huyết tiêu hóa, 50% là xuất huyết tiêu hóa trên, 40% là xuất huyết tiêu hóa dưới, 10% là xuất huyết tiêu hóa ruột non. Có rất nhiều nguyên nhân gây xuất huyết ruột non, trong đó nguyên nhân do dị dạng mạch máu chủ chiếm 1-2%.

Bệnh xuất huyết ruột non thường không gây ra các triệu chứng đặc trưng cảnh báo bệnh. Hầu hết các ca bệnh đi cầu ra máu thì mới phát hiện bệnh. Đối với những trường hợp xuất huyết nhẹ rất khó phát hiện, chỉ khi bệnh nhân tầm soát kiểm tra tìm máu ẩn trong phân thì mới có thể phát hiện được, từ đó tầm soát xuất huyết ruột non thì mới phát hiện được bệnh.

Đa phần những người bị xuất huyết không được phát hiện thường bị thiếu máu trong thời gian dài.

BS Đức cho biết, đối với dị dạng mạch máu, tùy theo kích thước của đoạn dị dạng mạch máu, nếu mạch máu to thì xuất huyết nhiều, chỉ trong vòng khoảng 5-6 giờ bệnh nhân có thể ngưng tim, tử vong do hết máu.

Theo Đời sống
Những ai nên hạn chế đi bộ?

Những ai nên hạn chế đi bộ?

Mặc dù đi bộ là an toàn và phù hợp với tất cả mọi người, nhưng những người có tình trạng bệnh lý hoặc hạn chế về thể chất nhất định nên đề phòng hoặc tránh đi bộ trong một số trường hợp nhất định.
back to top