Bà Bùi Thị Hợi, tự là bác sĩ của chính mình.
Không bao giờ ngại việc
Mồ côi mẹ từ nhỏ, nên tuổi thơ của bà Hợi rất vất vả, không được học phổ thông, phải đi mò cua bắt ốc nuôi em. Sau đó lên Hà Nội làm giúp việc, rồi được đi học bổ túc. Chiến tranh, bà vào thanh niên xung phong, sau được phân công về làm ở sở Lao động Hà Nội.
Vì khổ từ bé nên bà sớm biết lo toan và không bao giờ ngại việc. Đến giờ cũng vậy, chẳng mấy khi bà chịu ngồi không, lúc nào cũng phải bày việc ra mà làm. Ngồi nói chuyện, bà không ngừng tay cắt những cành rau ngót để lát nữa đun nước uống.
Nếu không thì làm ruốc, giã muối vừng, làm nước sấu… bán cho mọi người quanh đây. Lúc thì nấu nồi bánh đúc đợi bạn bè sang ăn. Và ngày nào bà cũng chịu khó đọc sách báo, báo cũ cũng đọc vì trong đó thể nào cũng nhặt được cái gì đó hay hay.
Lâu nay nhà bà Hợi đã thành nơi tụ tập của các bà trong ngõ 62. Bởi không chỉ nhà cửa rộng rãi, thoải mái trò chuyện, mà bà Hợi còn là bà lang của cả xóm. Từ đo huyết áp, thậm chí cả tiêm, rồi tư vấn về khám chữa bệnh, thuốc thang…bà đều rất thạo.
Nhà có sẵn máy đo huyết áp, nên hàng xóm cần là lại sang. Lúc đầu chỉ làm giúp, nhưng không lấy tiền thì nhiều người lại ngại. Có người còn mua quà sang biếu, tốn kém hơn, vậy nên bà đặt một hòm từ thiện để mỗi lần sang đo huyết áp, người ta bỏ vào đấy 2000đ cho đỡ ngại.
Bà Hợi kể, năm 31 tuổi bà bị rối loạn thần kinh tim, mất ngủ, người chỉ còn 37kg. Cả năm trời điều trị Tây y không đỡ, có lúc còn tưởng không qua khỏi. Sau mới chuyển sang Đông y, may hợp thuốc nên khỏi bệnh.
Từ đấy bà rất mê Đông y. Không theo học một khóa nào về Đông y, nhưng bà tự đọc sách báo, còn mua cả quyển cây thuốc Việt Nam của GS Đỗ Tất Lợi và đọc giáo trình của trường ĐH Y về các cây thuốc Nam.
Đọc rồi nhớ công dụng của từng vị thuốc, thậm chí từng bộ phận của cây thuốc với quan niệm biết một chút để tự lo cho mình. Trước tiên là để chăm sóc sức khỏe cho bản thân và những người trong gia đình, rồi giúp đỡ những người xung quanh.
Học cũng như bơi ở biển
Mê Đông y, nhưng bà cũng biết, có nhiều bệnh phải dùng thuốc Tây. Bị bệnh tiểu đường đã 20 năm nay, ngày nào bà cũng phải uống thuốc. Chỉ có điều mình tự theo dõi đường huyết và dùng các loại thuốc Đông y hỗ trợ, thấy ổn định thì hạ liều thuốc Tây.
Mình phải là bác sĩ của chính mình, tự theo dõi cơ thể để điều chỉnh chứ không trông chờ vào ai được. Khi bị bệnh, phải tiêm, bà còn hỏi y tá cách tiêm, rồi sau đó tự tiêm được cho mình và cho người khác, tất nhiên là với các loại thuốc thông thường.
Bà Hợi chia sẻ, học cũng như bơi ở biển vậy. Kiến thức mênh mông thế, mình học được đến đâu thì học. Đọc sách tiến bộ lên rất nhiều. Cuộc đời bà là minh chứng cho việc tự học. Nhờ ham đọc, ham học, có kiến thức nên trong công việc cũng như trong cuộc sống, làm gì, nói gì cũng rất tự tin.
Theo bà Hợi, sống ở trên đời cần nhất là kiên trì và trung thực. Các cụ nói khôn ngoan chẳng lọ thật thà. Mình sống trung thực, thật thà, gần gũi, chia sẻ với mọi người thì sẽ được nhiều người tin tưởng, giúp đỡ.
Cuộc sống công chức nghèo, vậy mà khi về hưu bà đã vay mượn tiền mua được đất trong Lâm Đồng để gây dựng cho các em, bởi bà nghĩ nếu không giúp thì họ sẽ không bao giờ thoát khỏi kiếp đi làm thuê, vất vả cả đời mà vẫn nghèo. Giờ thì mấy người em của bà đều có cuộc sống ổn định.
Cuộc sống chưa phải giàu sang gì, nhưng bà Hợi rất tích cực tham gia các hoạt động từ thiện. Bà luôn tâm niệm, thực ra cho đi thì ít mà những gì ta nhận lại được thì nhiều. Mình vất vả thật đấy nhưng được như ngày hôm nay là phải biết ơn cuộc đời.
Minh Châu