Một số hiệu trưởng vẫn muốn mình là to nhất
Tại Hội thảo “Tự chủ đại học - Từ chính sách đến thực tiễn” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ GD&ĐT và một số cơ sở giáo dục đại học tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh vai trò quan trọng của hội đồng trường trong thực hiện tự chủ đại học.
Theo đó, các trường phải có hội đồng trường theo đúng quy định của pháp luật. Muốn vậy, phải có sự dịch chuyển quyền lực. Tuy nhiên, việc dịch chuyển quyền lực này hiện có nhiều nơi chưa làm được do chưa thông trong chính các trường, xuất phát chủ yếu do chính nhận thức của đội ngũ lãnh đạo của các trường.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, Luật ra rồi vẫn có người hỏi ông: Vậy hiệu trưởng to hay hội đồng trường to? |
Theo ông Đam, bản thân một số hiệu trưởng không muốn mất quyền của mình, không muốn chuyển giao bớt quyền của mình sang bên hội đồng trường, vẫn muốn mình làm hiệu trưởng thì mình là to nhất trong trường. Luật ra rồi mà giờ vẫn có người hỏi ông: Vậy hiệu trưởng to hay hội đồng trường to? Giờ phải định hướng rõ cho các trường, hiệu trưởng thì không kiêm bí thư đảng ủy.
“Nhiều hiệu trưởng hỏi tôi: Vậy như thế thì hiệu trưởng không còn quyền gì à? Tôi nói không phải. Ví dụ: Trước đây chưa có hội đồng trường hoặc hội đồng trường chưa vững thì anh quyết hết về đầu tư, vẫn phải xin ý kiến của Đảng, theo ngạch của Đảng, nhưng về cơ bản hiệu trưởng quyết. Nhưng giờ phân ra, từ 10 tỷ trở lên thì hội đồng trường quyết. Còn 10 tỷ trở xuống thì hiệu trưởng quyết, hoặc giao cho ban giám hiệu. Nhưng trường khác bảo, không, 10 tỷ to quá, trường tôi 1 tỷ trở lên là phải hội đồng trường. Cái đó là toàn quyền của các trường, không vướng gì cả.
Thứ hai, là về nhân sự, có trường tuyển thêm người, cho rằng rất quan trọng, cần phải nghị quyết hội đồng, đem ra bàn hội đồng, thì đem ra bàn hội đồng. Nhưng cũng có trường nói không, nếu tuyển một lúc 50 người trở lên mới phải đem ra hội đồng trường, còn dưới giao cho ban giám hiệu, hoặc việc đề bạt cán bộ cũng vậy… thì hoàn toàn do cơ chế, quy chế của các đồng chí. Còn luật pháp hoàn toàn không cấm điều này”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nói.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, không cần phải đợi hướng dẫn để làm cơ chế. Trước đây, Luật chưa cho tự chủ mới phải có điều lệ mẫu, còn giờ luật quy định, giao quyền rồi. Cái này là do nhận thức từ chính các trường.
Nhiều hội đồng trường chỉ là "hữu danh vô thực"
Trong bài tham luận có tiêu đề "Mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản và trường đại học", GS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Học Viện Nông nghiệp Việt Nam, hạn chót là ngày 15/8/2020, theo yêu cầu của Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục Đại học sửa đổi 2018 (hay còn gọi là Luật số 34, tất cả cơ sở giáo dục đại học công lập, trừ khối trường công an, quân đội, phải có hội đồng trường được thành lập theo quy định của Luật.
Nhưng đến ngày 30/10 vừa qua, mới có 31/35 cơ sở giáo dục trực thuộc Bộ GD&ĐT (4 đơn vị đang tiến hành quy trình), 54 cơ sở giáo dục đại học trực thuộc các Bộ, ngành khác thành lập Hội đồng trường theo Luật mới, trên tổng số 175 trường đại học công lập (chiếm 46,3%).
Do thúc ép hành chính, thành lập theo kiểu “đối phó”, nên ở một số trường, hội đồng trường chưa đủ mạnh, chưa có thực quyền, chỉ là một thiết chế “hữu danh vô thực”, mang tính hình thức.
Ngoài ra, còn một nguyên nhân nữa, đó là do chính các trường chưa sẵn sàng và chưa đủ “dũng khí”.
Một số hiệu trưởng chưa thực sự sẵn sàng đón nhận thiết chế hội đồng trường, nên hội đồng trường không thể mạnh và khi hội đồng trường chưa đủ mạnh thì nhà trường không thể thoát ra khỏi cơ chế chủ quản.
Điều này thứ nhất xuất phát từ tâm lý, hiệu trưởng không muốn chia sẻ quyền lực với hội đồng trường, không muốn tự dưng lại có một tổ chức đứng trên đầu mình.
“Đa số các hiệu trưởng đều là những người tốt, học cao biết rộng, nhưng từ trong tiềm thức, và như một thói quen, khi ngồi vào vị trí hiệu trưởng là tự khắc họ điều hành và quản lý trường đại học như những cách mà các vị tiền nhiệm đã làm, như hiệu trưởng các trường đại học khác đang làm, có cải tiến, thêm bớt chút ít, nên về mặt bản chất, gần như không có khác biệt giữa trường tự chủ và chưa tự chủ, giữa có Hội đồng trường hay chưa có Hội đồng trường”, ông Viên phân tích.
Thứ hai, về mặt pháp lý, trong quản lý và điều hành nhà trường, hiệu trưởng không thấy có bất cứ sự ràng buộc thực tế nào với hội đồng trường, có hội đồng trường hay không thì bản chất công việc vẫn thế, chỉ có “phát sinh” thêm một tổ chức mà họ phải báo cáo theo luật định, dù muốn dù không.
Theo các quy định hiện hành, quyền lực của hiệu trưởng các trường đại học Việt Nam vẫn là "to nhất" so với các nước trên thế giới. Thiết chế Hội đồng trường bị vô hiệu hóa ngay từ khi sinh ra.
Ngoài ra, còn một lý do tế nhị khác khiến các hiệu trưởng chưa muốn tiếp nhận thể chế hội đồng trường, đó là hiện trạng không ít trường đại học tỏ ra miễn cưỡng, đối phó trong việc minh bạch hoá các thông tin, hoạt động giám sát của Thanh tra Nhân dân chỉ là hình thức. Điều đó sẽ khắc phục khi có hội đồng trường thực sự, khi đó, hội đồng trường sẽ giám sát các hoạt động của hiệu trưởng, trong đó có kiểm toán, giám sát tài chính nội bộ và các hoạt động khác.
Khi quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục được nâng cao, nghĩa là phải tăng tính công khai, minh bạch, hiệu trưởng phải thực hiện trách nhiệm giải trình về các hoạt động của nhà trường với hội đồng trường, đó là điều rất ít hiệu trưởng muốn.
Thêm nữa, tâm lý cầu an thụ động cũng là một trở ngại lớn trong quá trình đổi mới giáo dục đại học nói chung, tiến trình tự chủ đại học nói riêng. Giữa một rừng các văn bản quy phạm pháp luật vừa chưa đồng bộ, vừa chưa rõ ràng, sai đúng chỉ trong gang tấc, “qua đúng nay sai ngày mai lại đúng”, nên nhiều hiệu trưởng ngại bứt phá chọn phương án an toàn nhất cho họ: Giữ cơ chế bộ chủ quản.
Theo GS Trần Đức Viên, mấu chốt của tự chủ đại học là mô hình quản lý mới với sự xuất hiện của hội đồng trường. Đây là một tổ chức quản trị, đại diện quyền sở hữu của nhà trường, của các đối tác ngoài xã hội, thực tế sẽ tạo sự “dịch chuyển quyền lực” nhưng chỉ khi có quyết tâm chính trị mạnh mẽ của lãnh đạo cấp cao mới mong thực hiện được. Nếu không, đa phần các trường vẫn chạy theo lối mòn quản lý cũ và khai thác những lợi thế đã tích lũy được từ trước, chứ không phải từ tự chủ đại học.