Tiếp nối thành công của chuỗi hội thảo thường niên về giáo dục do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chủ trì, sáng 27/11 tại Nhà Quốc hội, ủy ban phối hợp với Bộ GD&ĐT và một số cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) tổ chức hội thảo Giáo dục 2020 với chủ đề “Tự chủ đại học - Từ chính sách đến thực tiễn”.
Hội thảo giáo dục Việt Nam 2020. |
Hội thảo nhằm tạo diễn đàn tập hợp các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, các chuyên gia, nhà giáo, nhà khoa học trong và ngoài nước để cùng trao đổi, thảo luận về thực trạng triển khai tự chủ trong GDĐH, nhất là từ sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH được ban hành và có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2019.
Trên cơ sở đó, đề xuất các ý tưởng, giải pháp thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học, tạo điều kiện cho GDĐH phát triển, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế của đất nước.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, tự chủ đại học là xu hướng tất yếu trên thế giới, nhưng quan niệm và mức độ triển khai còn khác nhau. Tự chủ đại học không còn mới ở Việt Nam, nhưng vẫn còn quan niệm chưa đúng bản chất (vẫn thường được hiểu gắn với tự bảo đảm kinh phí).
Bản chất của tự chủ đại học là vấn đề tự quyết và chịu trách nhiệm của trường đại học về những hoạt động của mình. Ngoài ra, trường đại học có hệ thống quản trị nội bộ để phân quyền và trách nhiệm, đảm bảo quá trình ra quyết định và thực hiện trách nhiệm giải trình tốt hơn.
Mục tiêu của tự chủ đại học là tối ưu hoá hoạt động của toàn hệ thống. Theo đó, các trường ĐH năng động, sáng tạo và hoạt động hiệu quả hơn; cơ quan quản lý tập trung làm tốt hơn chức năng giám sát và hỗ trợ; cùng với đó là nâng cao chất lượng, mang lại lợi ích lớn hơn cho người học và xã hội.
Luật sửa đổi bổ sung một điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34) và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật này đã luật hóa hầu hết nội dung theo Nghị quyết 77 của Chính phủ đối với các trường đủ điều kiện và năng lực tự chủ đại học.
Theo đó, đã mở rộng và nâng cao tự chủ cho các trường về phương thức tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo; cơ cấu tổ chức, biên chế; Quyết định nhân sự chủ chốt (Ban giám hiệu, hội đồng trường...); Học phí (theo Luật giá). Điều kiện tự chủ không yêu cầu tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư; một số nội dung về viên chức, tài chính, tài sản được quy định trong các luật khác.
Một bước tiến lớn của tự chủ đại học là các trường đang thực hiện theo Nghị quyết 77 được thực hiện các quyền tự chủ theo luật mới và nhiều nội dung theo đề án đã được phê duyệt.