Phải bảo đảm tính liêm chính trong học thuật
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ GD&ĐT và một số cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) tổ chức hội thảo Giáo dục 2020 (Vietnam Education Conference - VEC 2020) với chủ đề “Tự chủ đại học - Từ chính sách đến thực tiễn” vào ngày 27/11.
Tại buổi họp báo về Hội thảo, vấn đề tự chủ đại học gắn với câu chuyện của trường Đại học Tôn Đức Thắng đã được đưa ra thảo luận sôi nổi.
Trả lời câu hỏi về vấn đề tự chủ học thuật của các cơ sở GDĐH, PGS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Ttrường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, vấn đề mua bán bài nghiên cứu khoa học không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà diễn ra ở khá nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển.
Xét từ góc độ pháp lý, thì hiện cũng chưa có quy định nào quy định chi tiết giảng viên được và không được làm những gì, mà tùy vào quy định riêng của từng trường đại học trên cơ sở quy định của pháp luật.
Theo đó, nhiều trường có quy định giảng viên phải hoàn thành nghĩa vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học đối với cơ sở đào tạo của mình. Còn lại, khi đã hoàn thành nghĩa vụ đối với nhà trường thì việc được phép làm việc gì phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.
Có trường quy định, giảng viên khi công bố các công trình nghiên cứu khoa học bắt buộc phải ghi tên của trường. Có trường lại không có quy định như vậy.
Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất, là phụ thuộc vào tính liêm chính, trung thực của các nhà khoa học. Nếu một nhà khoa học muốn lúc nào cũng gắn bó với một cơ sở giáo dục đại học, toàn tâm toàn ý, thì dù viết bài với các giảng viên của trường khác nhưng tên của họ luôn là trường đại học mà họ công tác.
Như vậy, điều này phụ thuộc vào cá nhân của nhà khoa học khi không có quy định pháp lý. Nó liên quan tới tính liêm chính, trung thực , tình cảm của giảng viên đó với nơi mình công tác.
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, năm 2020, một số trường đại học có mặt trong bảng xếp hạng là sự cố gắng của tất cả các cơ sở giáo dục. Việc các trường đại học tham gia hội nhập quốc tế, xếp hạng quốc tế là điều phải làm, “để còn biết mình đang ở đâu”, nhưng phải bảo đảm sự liêm chính trong học thuật, phải đi trên chính đôi chân của mình.
Tự chủ học thuật liên quan đến tự chủ tài chính
Theo PGS.TS Phạm Hồng Chương, trong câu chuyện của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, mặc dù là vấn đề tự chủ về học thuật, nhưng liên quan nhiều hơn tới vấn đề quản lý tài chính.
Theo thông tin trên báo chi, Trường Đại học Tôn Đức Thắng nói rằng, họ thực hiện phương thức đó với 2 mục đích: Một là để xây dựng thương hiệu, đó là việc quan trọng. Thứ hai là thu hút dần dần, bồi dưỡng lực lượng.
Như vậy, những vấn đề đó không chỉ là chuyện học thuật, mà nó liên quan tới chiến lược phát triển, tự chịu trách nhiệm, quản lý tài chính của trường đại học nhiều hơn.
Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban, Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho biết, ở nước ta hiện nay, tự chủ đại học về cơ bản vẫn là tự chủ học thuật, chuyên môn. Với vấn đề về tài chính tài sản, tổ chức nhân sự... vẫn còn nhiều vướng mắc.
Hội đồng trường đã được giao trách nhiệm có thể ban hành những quy định hướng dẫn và được các cơ quan có thẩm quyền cho phép nhưng không thể thoát khỏi khuôn khổ quy định của luật chuyên ngành.
Để tạo hành lang pháp lý đủ rộng cho tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, một trong những việc quan trọng là sửa đổi luật chuyên ngành và sửa đổi một số điều luật chuyên ngành có liên quan.
Về vấn đề Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giải trình rõ trước Quốc hội. Chính phủ đã cử đoàn công tác vào làm việc với Trường, quan điểm là những gì Trường đang làm tốt sẽ được tạo điều kiện phát huy, những gì còn bất cập thì chúng ta khắc phục.
Mục tiêu của hội thảo là chỉ rõ ra được những vấn đề vướng mắc, cần tháo gỡ trong thực hiện luật pháp về tự chủ đại học. Chúng ta đang triển khai một số mô hình tự chủ đại học, trong đó có mô hình của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, mục tiêu tới đây là tìm ra một mô hình tự chủ đại học hiệu quả nhất.
Theo ông Phạm Tất Thắng, hiện nay, tự chủ đại học còn nhiều vướng mắc, vì hoạt động của một cơ sở giáo dục đại học được điều chỉnh bởi những luật khác nhau.
Cụ thể như, vấn đề về nhân sự phụ thuộc Luật Viên chức, Luật Cán bộ, công chức; vấn đề tài chính tài sản phụ thuộc vào Luật Ngân sách, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý tài sản công; vấn đề về nghiên cứu khoa học thì phụ thuộc Luật Khoa học công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được kỳ vọng sẽ giúp tháo gỡ những vướng mắc về tự chủ giáo dục đại học.
Tuy nhiên, về mặt quy trình, về mặt quy định lại không thực hiện được vì đây là luật chuyên ngành, không thể dùng luật chuyên ngành để điều chỉnh những luật khác.