Khái quát Lịch sử Việt Nam 1954 - 1975. |
Phải học tư duy lịch sử
Trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 và hệ thống dữ liệu lớn (Big Data) việc ghi nhớ kiến thức đã không có nhiều ý nghĩa. Tư duy lịch sử và năng lực vận dụng tư duy lịch sử mới làm nên sự khác biệt về nhận thức lịch sử và nhận thức xã hội của mỗi người. Kiểm tra khả năng học thuộc kiến thức đã được soạn sẵn trong sách giáo khoa hay đề cương không những không phát triển tư duy lịch sử mà còn làm mất đi ý nghĩa vốn có của lịch sử.
Áp dụng tư duy lịch sử vào trong học tập và cuộc sống giúp người học nhận thức khi nhận định về sự kiện, về sự việc cần độ lùi nhất định của thời gian, đủ để xác nhận những quan điểm khác nhau và để nhận ra những tác động do bổ sung tư liệu, do sự diễn biến nhận thức, do tác động của thay đổi bối cảnh qua thời gian… đến quan điểm của người đánh giá.
Điều này sẽ giúp nhận định về một sự kiện dựa trên tư duy lý tính thay vì cảm tính, tự đặt ra câu hỏi và tin vào phân tích của mình một cách logic thay vì bị dẫn dắt bởi các thông tin bóp méo, sai sự thật. Muốn vậy, việc học lịch sử cần thay đổi về bản chất, học lịch sử phải là học cách tư duy về lịch sử, chứ không chỉ học kiến thức viết về lịch sử.
Kỹ năng tư duy lịch sử thành các nhóm, như sau: Kỹ năng giải thích lịch sử theo thời gian; Kỹ năng so sánh và phân tích sự kiện lịch sử trong bối cảnh cụ thể; Kỹ năng lập luận lịch sử dựa trên bằng chứng; Tổng hợp và diễn giải lịch sử. Cũng có thể tiếp cận các kỹ năng đơn lẻ, từ thấp đến cao, từ phổ biến đến chuyên biệt…
Kỹ năng phân tích sự kiện lịch sử
Là việc xem xét các yếu tố của một sự kiện với tư cách một sự kiện cụ thể, đơn nhất. Những yếu tố của sự kiện trong một bối cảnh cụ thể (nhân vật, thời gian, không gian của sự kiện), những hành động, quyết định trong một bối cảnh lịch sử, những mối liên hệ giữa các sự kiện trong bối cảnh lịch sử quốc gia, dân tộc.
Kỹ năng này cho phép người học đặt ra các câu hỏi và tìm kiếm từ các nguồn sử liệu câu trả lời về sự kiện, như sự kiện đó là gì, xảy ra khi nào, ở đâu, có những ai/lực lượng nào tham gia, diễn biến và kết quả ra sao… Kỹ năng phân tích lịch sử đòi hỏi phải đặt sự kiện hoặc sự phát triển phù hợp với bối cảnh lịch sử rộng lớn hơn của khu vực, quốc gia hoặc thế giới. Ngược lại quá trình phân tích là quá trình khái quát hóa thành khái niệm, tính chất, giai đoạn lịch sử dựa trên các sự kiện đơn lẻ.
Áp dụng kỹ năng phân tích lịch sử, khi thấy một vấn đề, một sự việc, học sinh có thể đặt câu hỏi: vì sao có sự việc này, bối cảnh của sự việc là gì, tại sao xảy ra vào thời điểm đó, nơi đó mà không phải lúc khác, nơi khác, ai tham gia vào sự việc đó, người đó như thế nào, tại sao người đó lại có mặt ở sự việc đó, tại sao sự việc có kết cục như vậy…
Kỹ năng giải thích nguyên nhân - kết quả
Tư duy về nguyên nhân – kết quả bao gồm kỹ năng để xác định, phân tích và đánh giá mối quan hệ giữa nhiều sự kiện lịch sử trong mối liên hệ nhân quả. Khi tư duy về nguyên nhân của một sự kiện lịch sử, có hai khái niệm cần phân biệt là nguyên nhân sâu xa và nguyên nhân trực tiếp.
Nguyên nhân sâu xa thường nằm trong bối cảnh lịch sử, không trực tiếp đưa đến bùng nổ sự kiện nhưng nó chứa các mâu thuẫn quyết định và chi phối sự kiện sẽ nổ ra.
Nguyên nhân trực tiếp (cũng còn gọi là duyên cớ) là sự kiện trực tiếp làm bùng nổ một cuộc cách mạng, một cuộc chiến tranh, hoặc mở đầu một chuỗi sự kiện sau nó, bị tác động trực tiếp hoặc khởi nguồn bởi nó. Khi giải thích nguyên nhân – kết quả cần chú ý, một kết quả có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, một sự kiện diễn ra có thể đưa đến nhiều hệ quả.
Ví dụ, sự phát triển kinh tế của nước Mỹ sau Chiến tranh thế giới do nhiều nguyên nhân:
(1). Lãnh thổ rộng lớn, tài nguyên thiên nhiên phong phú, nguồn nhân lực dồi dào, trình độ cao, năng động, sáng tạo. (2). Mỹ lợi dụng chiến tranh để giàu lên từ buôn bán vũ khí. (3) Mỹ áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất lao động. (4) Các tập đoàn tư bản, các tổ hợp công nghiệp - quân sự có sức cạnh tranh hiệu quả. (5) Các chính sách và biện pháp điều tiết của nhà nước đóng vai trò quan trọng thúc đẩy kinh tế Mỹ phát triển...
Tư duy phân kỳ lịch sử
Tư duy phân kỳ lịch sử về sự tiếp diễn và thay đổi qua thời gian bao gồm khả năng xác nhận, phân tích và đánh giá sự biến động của lịch sử qua các thời kì lịch sử khác nhau. Bằng cách tiếp cận này, người học có thể xác định các mốc phân kỳ, các bước ngoặt lịch sử, và phân tích để phân chia lịch sử thành các thời kì, giai đoạn khác nhau. Các thời kỳ trong lịch sử thường được xác định bằng sự kiện khởi đầu và sự kiện kết thúc.
Áp dụng tư duy phân kỳ dựa trên các sự kiện có ý nghĩa, có dấu ấn nhất, người học có thể lựa chọn sự kiện quan trọng nhất của bản thân, xác định và phân chia thời gian mà mình đã trải qua hoặc một sự việc mình chứng kiến.
Kỹ năng so sánh lịch sử
Bao gồm khả năng mô tả, so sánh, đối chiếu và đánh giá hai hay nhiều hơn sự kiện, nhân vật lịch sử trong cùng thời gian hoặc ở những thời gian khác nhau. So sánh giữa các sự vật, hiện tượng cùng thời đại, còn gọi là so sánh theo hàng ngang. So sánh giữa các sự kiện, hiện tượng có cùng bản chất nhưng khác thời đại, còn gọi là so sánh theo đường thẳng. Kỹ năng so sánh còn bao gồm cả so sánh, đánh giá giữa các quan điểm đa chiều về sự kiện, nhân vật lịch sử.
Về cơ bản, học sinh phổ thông áp dụng so sánh giống – khác (đối chiếu để tìm ra điểm giống, điểm tương đồng hoặc tìm ra điểm khác biệt, đặc trưng), như khác nhau giữa chủ trương cách mạng của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh… Việc so sánh cũng bao gồm kỹ năng đánh giá, như sự kiện có ý nghĩa quan trọng hơn, ác liệt hơn, quy mô hơn, có ý nghĩa nhất, có ý nghĩa quyết định…
Lập luận để chứng minh hoặc bác bỏ một luận điểm lịch sử
Lập luận lịch sử bao gồm khả năng phân tích một vấn đề và giải quyết vấn đề đó qua xây dựng một lập luận có lý và thuyết phục. Các lý lẽ được đưa ra rõ ràng và được làm rõ bởi các bằng chứng lịch sử liên quan.
Kỹ năng lập luận lịch sử cũng bao gồm khả năng đánh giá các luận điểm và bằng chứng mà người khác đã sử dụng bằng cách lựa chọn và sử dụng các bằng chứng lịch sử thích đáng từ các nguồn tư liệu lịch sử phong phú.
Học sinh cần có khả năng phân tích bằng chứng về nội dung cũng như quan điểm của tác giả, đối tượng khán giả của tài liệu, mục đích của tài liệu và bối cảnh lịch sử. Kỹ năng này cũng bao gồm khả năng liên hệ và rút ra kết luận khi xác định những hạn chế hoặc sai lầm trong nguồn tư liệu (còn gọi là xác minh, phê phán nguồn sử liệu). Phân tích có dẫn chứng hay chứng minh một nhận định lịch sử đã được sử dụng trong các bài thi tự luận.
Hiện nay, thường dùng trong bài thi học sinh giỏi, ở cấp độ tái hiện những luận điểm và bằng chứng đã được ôn luyện mà không cần phải sử dụng kỹ năng lựa chọn và sử dụng các bằng chứng thích đáng.
Ở cấp độ cao hơn, người học sử có khả năng diễn giải và tổng hợp lịch sử từ tổng hòa tất cả các kỹ năng trên, hay nói cách khác là nghiên cứu và “viết” sử. Nhưng dường như rất hiếm khi người học sử, kể cả sinh viên đại học chuyên ngành lịch sử phát triển kỹ năng bậc cao này.