Học để thi trắc nghiệm khác với học để thi tự luận, nhất là các môn xưa nay thí sinh hay cho là môn “học thuộc”, có thể “chém gió” như môn Lịch sử.
5 lỗi sai thường gặp
Việc xác định các lỗi sai có thể chia theo mức độ của yêu cầu tư duy, cũng có thể tìm theo dạng câu hỏi. Tuy vậy, xác định theo kiểu nào thì lỗi vẫn dẫn đến việc chọn đáp án sai.
1 - Đoán mò, khoanh bừa đáp án. Đoán bừa là chọn phương án mà không có cơ sở hay manh mối về các sự kiện lịch sử, không nhận biết được sự kiện, nhân vật, thời gian, địa điểm. Lỗi sai này khỏi cần lấy ví dụ, vì không có kiến thức thì làm bài thi sẽ đoán bừa. Trong các cấp độ, Nhận biết lịch sử là cấp độ thấp, nếu thí sinh không ghi nhớ sự kiện lịch sử thì thường xuyên mắc lỗi này.
2 - Quên từ “KHÔNG” trong câu hỏi. Với dạng câu hỏi phủ định, thí sinh có thể chọn phương án sai do quên từ “không”. Trong 4 phương án thì có 3 phương án phản ánh đúng bản chất sự kiện, chỉ có 1 phương án sai. Lỗi này mắc do đọc thiếu, đọc vội, không phân tích đề cẩn thận, thí sinh dễ mất điểm vì bỏ qua từ “không”.
3 - Bị phương án gây nhiễu đánh lừa. Loại câu có các phương án gần đúng, hoặc chứa các từ khóa có vẻ đúng, hoặc nhiễu thời gian, không gian, nhân vật lịch sử…cũng khiến thí sinh dễ bị bối rối, chọn nhầm phương án gây nhiễu. Lỗi này thường do không hiểu bản chất của sự kiện, do đọc đáp án vội vàng, do thiếu phân tích các phương án.
4 - Bỏ qua các từ chỉ thứ tự, tần suất, mức độ. Những từ như trước, sau, giữa, đầu, cuối, tất cả, hầu hết, một số, luôn luôn, không bao giờ, cao nhất…tuy có vẻ không quan trọng nhưng khiến nhiều thí sinh mất điểm do lỗi này. Lỗi này ngoài nguyên nhân như các lỗi trên, còn do việc không hiểu bản chất của vấn đề lịch sử.
5 - Không liên kết kiến thức và vận dụng thực tế. Với những câu hỏi đòi hỏi vận dụng, thí sinh thường gặp sai khi thiếu phân tích, kết nối kiến thức với kiến thức đã biết và thực tế cuộc sống.
5 chiến thuật khi làm bài thi
Ngoài các chiến thuật chung cho thi trắc nghiệm, với bài thi Lịch sử, thí sinh nhớ áp dụng các chiến thuật sau:
1 - Kiểm soát thời gian làm bài
Trong 60 phút, thí sinh phải hoàn thành 40 câu, vì vậy nên phân bổ thời gian và kiểm soát thời gian làm bài hợp lí.
Lần 1: Tối đa là 40 phút. Đọc hết lượt 40 câu, trung bình 1 câu/1 phút. Câu nào không làm được đánh dấu bỏ qua, ghi chú băn khoăn.
Lần 2: Trở lại với các câu đã đánh dấu băn khoăn, dùng phương pháp loại trừ, suy luận. Tối đa: 10 phút. Câu nào không làm được đánh dấu hỏi tiếp, khoanh vào các phương án phân vân.
Lần 3: Làm lại các câu chưa đánh dấu hỏi, bắt buộc chọn 1 phương án trong số phương án phân vân. Tối đa 5 phút.
Kiểm tra, hoàn thiện: tối đa 5 phút.
2 - Tìm từ khóa
Để xác định từ khóa, thí sinh đặt câu hỏi: Ai/ Cái gì, làm gì/ thế nào, khi nào, ở đâu, để tìm các từ khóa trong đề bài, bao gồm cả câu hỏi và phương án.
3 - Phân tích sự phù hợp của câu hỏi và đáp án, dựa vào dấu hiệu thời gian, không gian, hay dạng phủ định
Gạch chân những từ định lượng, tần suất, thời gian, từ “Không” trong câu hỏi, đối chiếu sự phù hợp sự kiện với thời gian trước – sau; giai đoạn; phù hợp sự kiện với địa điểm, phù hợp nhân vật với hành động, phù hợp đánh giá: hoàn toàn, quan trọng nhất, tiêu biểu nhất… Chú ý chính xác về mức độ, ví dụ số lượng: tất cả, một số, phần lớn, duy nhất …
4 - Suy luận để loại trừ phương án sai
Loại phương án mâu thuẫn với câu hỏi, cân nhắc giữa 2 phương án gần giống nhau, tìm hiểu sự khác biệt giữa hai phương án giống nhau đó, đối chiếu với đề bài để loại phương án mâu thuẫn, thiếu dữ liệu, rồi chọn phương án đúng, chính xác, đầy đủ nhất. Một số bạn chọn câu dài nhất, chưa chắc đã ăn may.
5 - Kết nối kiến thức đã có và liên hệ với thực tế cuộc sống
Đối với câu vận dụng, nếu bạn chưa có manh mối từ kiến thức đã học, hãy liên hệ với kiến thức cuộc sống mình đã có, từ đó có thể sẽ lần tới được câu trả lời đúng.
Theo TS Trần Vân Anh, điều đầu tiên muốn học tốt môn Sử đó là phải thay đổi suy nghĩ, coi Lịch sử là một môn học của tư duy, chứ không phải là môn học thuộc lòng. Và sẽ có các nấc thang: Nhớ, hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. Trên thực tế, việc vận dụng kiến thức lịch sử vào thực tế, quan sát và liên hệ kiến thức trong cuộc sống là cách học lịch sử có ý nghĩa kết nối lịch sử với cuộc sống. Ví dụ: Tên đường phố có ý nghĩa lịch sử không? Di tích lịch sử ngày đó nay ở đâu?