Thuốc bổ khí huyết cho người suy kiệt

(khoahocdoisong.vn) - Khí huyết cùng suy nhược gây tổn thương cả tâm lẫn phế (vì tâm chủ huyết mà phế chủ khí), con người mất cân bằng âm dương sinh nhiều bệnh tật, khí huyết kiệt quệ không kịp chữa sẽ nguy đến sinh mệnh.

Các bài thuốc cổ phương về bổ khí huyết dưới đây là các biến thể của bài Bổ khí huyết do Hải Thượng Lãn Ông sáng tạo ra (trong Tâm Đắc Thần phương) giúp phục hồi và cứu sinh mạng người bệnh.

Khí huyết xung hòa trục độc phương

Bài thuốc gồm: Nhân sâm 12g, hoàng kỳ 12g, đương quy 12g, bạch truật 12g, phục linh 10g, bạch thược 12g, nhục quế 6g, kim ngân 15g, tạo giác thích 6g.

Trong bài dùng nhân sâm, hoàng kỳ, phục linh, bạch truật để bố khí; Quy thược để bổ huyết; Quế để dẫn thuốc; Kim ngân tạo giác thích để tiêu độc sang nhọt. Theo Đông y, ung độc sinh ra do khí huyết bất hòa nên phép chữa là phải lập lại quân bình của khí huyết thì bệnh không phải “công” mà tự bị “phá”. Đây là phương lấy bổ làm công, dùng chữa người già yếu mà bị sưng tấy vùng hàm cổ hoặc bị sang độc, ung nhọt.

Bổ khí huyết trục đờm phương

Bài thuốc gồm: Nhân sâm 15g, hoàng kỳ 12g, đương quy 15g, bạch truật 12g, mạch môn 15g, chích thảo 8g, quế chi 6g, ma hoàng 6g, bạch thược 12g, ngũ vị 10g, sinh khương 8g, đại táo 3 quả.

Bài thuốc dùng nhân sâm, hoàng kỳ để bồi dưỡng nguyên khí; Đương quy để bổ huyết; Bạch truật để bổ tỳ; Mạch môn, ngũ vị để bổ phế và tỳ; Chích thảo để bổ tỳ; Quế chi để dẫn thuốc; Ma hoàng để đưa thuốc ra phân bổ ở bì phu; Bạch thược để hòa can và dẹp bớt công phạt của hai vị Ma hoàng và Quế chi. Công dụng: Dùng để chữa người bị hoạn nạn sinh lo âu, buồn phiền làm suy yếu dương khí, khí huyết không điều hòa sinh đờm tức, ăn uống không tiêu, tân dịch khô kiệt.

Dưỡng khí bồi huyết phương (hay tráng thủy ích hỏa)

Bài thuốc gồm 3 vị: Nhân sâm 15g, thục địa 30g, phụ tử 6g, sắc uống. Dùng chữa người bị sốt lâu ngày làm cho thân thể khô gầy, môi miệng nứt nẻ, mắt mờ, khi mê sảng, phiền táo, mạch vi thoát. Cơ thể người bị bệnh thì phần trên giả nhiệt, phần dưới thực hàn. Phải dùng thục địa để bổ huyết giữ chân thủy, dùng nhân sâm để bổ khí, còn phụ tử để bổ hỏa để giúp âm huyết. Vì mạch trầm, vi nên không dùng bát vị mà dùng bài này có nhân sâm, phụ tử tác dụng rất tốt.

Hòa huyết hành khí cứu lỵ phương

Bài thuốc gồm: Nhân sâm 15g, phục linh 12g, bạch truật 12g, đương quy 15g, bạch thược 12g, nhục quế 6g, ngũ vị 8g.

Bài này dùng nhân sâm, phục linh, bạch truật để bổ khí; dùng đương quy, bạch thược để hòa huyết; Nhục quế để dẫn thuốc và bồi hỏa; Ngũ vị để giúp hành khí. Đó là yếu lĩnh để chữa chứng lỵ lâu ngày làm kiệt khí huyết, làm cho sáu bộ mạch đều hư. Phải dùng phương bồi bổ khí huyết để trị, để quá lâu nguyên khí sẽ cạn, không kịp chữa sẽ nguy đến sinh mệnh.

Bổ âm liễm dương phương

Bài thuốc gồm: Nhân sâm 15g, thục địa 15g, mạch môn 15g, ngưu tất 12g, đan sâm 12g, bạch thược 12g, phục thần 10g, viễn chí 8g, thán khương 8g.

Bài này dùng để chữa chứng âm tiêu dương thoát, sinh mê sảng, nói lảm nhảm cuồng táo, mặt đỏ, mạch “hồng, đại”. Phải dùng nhân sâm để phục hồi dương khí và các vị “thần tĩnh” để bổ âm, liễm dương mới cứu được người bệnh.  

GS.TSKH Hoàng Tuấn (nguyên Giám đốc BV 19-8)

Theo Đời sống
Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Cục máu đông, hay còn gọi là huyết khối, nếu xảy ra trong mạch máu của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm và đôi khi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
back to top