Đông y - Bài thuốc nổi tiếng chữa hậu thiên khí huyết

(khoahocdoisong.vn) - Chỉ bằng 4 vị thuốc nhưng “Tứ quân tử thang” là bài thuốc cổ phương điển hình về bổ khí của người xưa còn truyền đến ngày nay. Bài thuốc này rất tốt cho người bệnh suy nhược cơ thể, gầy yếu, ăn kém, thiếu máu, loạn dưỡng…

Khí huyết không thông trăm bệnh phát sinh

Y học cổ truyền cho rằng, trạng thái tâm thần của con người ảnh hưởng mạnh đến khí huyết. Quá giận thì làm cho khí ngược lên; Quá vui thì làm cho khí hoãn lại; Quá đau buồn thì làm cho khí hao mòn; quá lo sợ làm cho khí giáng xuống; quá lo lắng thì khí bị rối loạn. Hàn thì khí vít, nóng thì khí tán, nghĩ ngợi thì khí kết, nhọc mệt thì khí hao... Khí huyết vận hành chu lưu khắp cơ thể con người ngày đêm không ngừng, thuận thì vô bệnh, bị cản trở làm cho biểu bì không thông, thăng giáng không theo quy luật, thanh trọc lẫn lộn thì sẽ phát sinh trăm bệnh về khí huyết.

Bồi bổ khí huyết cũng là thuốc bổ tỳ thổ vì huyết do tỳ thổ sinh ra. Khi ta dùng thuốc bồi bổ khí huyết sẽ giúp cho cơ thể  khỏe mạnh, bệnh tật không phát sinh.

Bài thuốc bổ khí cổ phương điển hình

“Tứ quân tử thang” là bài thuốc chữa hậu thiên về khí điển hình của người xưa còn truyền đến ngày nay và được rất nhiều lương y áp dụng hoặc dùng nó làm bài cơ bản rồi gia giảm tùy theo các trường hợp.

Bài thuốc: Chỉ có 4 vị chính đã được điều chỉnh cho phù hợp gồm: Bạch truật 12g, phục linh 12g, cam thảo 8g, nhân sâm 10g và hai vị gia giảm gừng sống 6g và đại táo 3g, được chỉ định sắc uống hằng ngày lúc còn nóng.

Tác dụng: Nhân sâm có tác dụng bổ khí; phục linh tác dụng chống thấp khí ở can, thận; bạch truật làm mạnh tỳ; cam thảo có tác dụng bổ trung hòa vị điều hòa và dẫn thuốc vào các kinh… bài thuốc dùng để chữa dương khí hư yếu làm cho hai cơ quan chủ về nguyên khí là phế và tỳ vị bị hư hao theo. Biểu hiện: Người bệnh ăn kém, chậm tiêu, không thấy ngon, cơ thể bị gầy mòn, da khô vàng bủng hoặc xạm lại, lông tóc rụng, hơi thở ngắn, đoản hơi, chân tay rã rời mệt mỏi. Theo y học hiện đại, các trạng thái suy nhược cơ thể, gày yếu, ăn kém, thiếu máu, loạn dưỡng và huyết áp thấp...

Tùy theo bệnh lý của từng bệnh nhân, dựa trên bài thuốc này theo Hải Thượng Lãn Ông  có thể gia giảm thêm các vị thuốc khác cho phù hợp. Chẳng hạn:

1 - Người bệnh chân tay mệt mỏi, ngại cử động hoặc nửa người tê liệt thì gia trần bì, trúc lịch, bán hạ, mạch môn, sinh khương, sắc uống hàng ngày.

2 - Người mất ngủ, hay chiêm bao hoảng sợ gia khương táo, liên nhục, long nhãn.

3 - Người ăn kém do tỳ vị hư yếu gia ngũ vị, đương quy, hoàng kỳ.

4 - Đau bụng, đầy bụng, không tiêu gia mộc hương, sài hồ, ngũ vị, chỉ thực.

5 - Nôn mửa gia biển đậu sao vàng.

6 - Phiền khát thêm cát căn, ngũ vị, mạch môn.

7 – Dương hư, âm thịnh hay tỳ vị hư hàn thêm phu tử, sa nhân hay phụ tử, ngũ vị.

8 – Ho đờm, đoản khí gia tang bạch bì, hạnh nhân, bán hạ, chỉ xác, viễn chí.

9 - Cảm giác bồn chồn không yên, phiền khát, tăng liều nhân sâm, gia hoàng kỳ hoặc mạch môn, phục thần, liên nhục.

10 - Đau bụng nhiều thêm can khương, chích thược, quan quế, hồi hương.

11- Khí hư kèm sốt tái đi tái lại thêm tiền hồ, xuyên khung. Nếu khát nhiều thêm mộc qua, cát căn, ô mai.

12 - Đái ít thêm trạch tả, trư linh, mộc thông.

13 - Đại tiện không lợi gia bình lang, đại hoàng

14 - Chứng đầy, bĩ mà hàn gia bào khương, phụ tử. Nếu có khí trệ thì thêm mộc hương.

Kiêng kỵ: Những người huyết hư không nên dùng bài này; Chứng sài mòn ở trẻ em do “âm hư” làm thân hình gầy đét, da khô, táo khát, không dùng; Các chứng “âm hư” “hòa động” ở người lớn không nên dùng các vị bạch linh, bạch truật kéo dài.

Theo Đời sống
back to top