Thực phẩm tốt cho người đau lưng

(khoahocdoisong.vn) - Thông thường khi chữa chứng đau lưng mạn tính, người ta hay sử dụng các biện pháp dùng thuốc, châm cứu, tập luyện... Có một liệu pháp hết sức đơn giản nhưng rất có ý nghĩa trong việc hỗ trợ điều trị và dự phòng tích cực tình trạng đau lưng tái phát, đó là việc lựa chọn các thực phẩm thông dụng hàng ngày.

Đau lưng là triệu chứng thường gặp trong nhiều bệnh lý nội ngoại khoa. Ở đây chỉ đề cặp đến chứng đau lưng mạn tính hay gặp ở người có tuổi do tình trạng hư xương sụn cột sống thắt lưng gây nên (trước đây thường gọi là thoái hóa cột sống).

Trong Y học cổ truyền đau lưng dạng này thuộc phạm vi chứng yêu thống do nhiều nguyên nhân dẫn đến, trong đó phần nhiều là do thận hư. Cổ nhân quan niệm rằng, lưng là phủ của thận, thận chủ cốt tủy, nếu thận tinh hư suy thì tinh tủy không đầy đủ nên đưa tới tình trạng đau lưng, thậm chí kèm theo hai chân yếu bại đi lại khó khăn. Vì vậy, khi lựa chọn thực phẩm nên có tác dụng bổ thận, ích tủy, cường gân cốt.

Thận lợn: Còn gọi là trư yêu tử, trư thận... vị ngọt mặn, tính bình, có công dụng bổ thận, cường yêu (làm khỏe lưng), ích khí, hoãn giải yếu thống do thận hư. Lấy thận để bổ thận đó chính là một trong những ví dụ điển hình của việc ứng dụng thuyết “dĩ tạng bổ tạng” trong y học cổ truyền. Dân gian thường dùng món ăn bài thuốc: Thận lợn một đôi bổ lọc bỏ màng trắng bên trong đem hầm với đỗ trọng 10g ăn hàng ngày để chữa chứng yêu thống.

Xương dê: Bất luận là xương sống hay xương ống chân đều có công dụng bổ thận khí, cường gân cốt và làm khỏe lưng gối. Sách Bản thảo cương mục viết: Xương sống dê có công dụng bổ thận, làm thông mạch đốc, chuyên trị yêu thống hạ lỵ; xương ống chân dê chủ trị tỳ hư, thận hư không thể nhiếp tinh và làm khỏe lưng gối. Kinh nghiệm dân gian thường dùng xương ống chân dê sao cháy rồi tán thành bột mịn, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần từ 3 – 6g với rượu nhạt đun nóng để chữa chứng đau lưng mạn tính. Hoặc xương sống và xương chậu, xương đùi dê 300 - 500g, gạo tẻ 500g. Nấu cháo thêm gia vị thích hợp; Hay xương tuỷ sống chặt khúc nấu cùng với gạo thành cháo, bỏ xương và vớt bỏ nước váng mỡ, thêm gia vị. Ăn khi đói. Dùng cho các trường hợp mỏi mệt, đau lưng mỏi gối ở người cao tuổi.

Thịt chim sẻ: Vị ngọt, tính ấm có công dụng bổ thận tráng dương, ích tinh và làm ấm lưng gối. Sách Nhật hoa tử bản thảo viết rằng, thịt chim sẻ có tác dụng tráng dương ích khí và làm ấm lưng gối. Dân gian thường dùng chim sẻ 5 – 10 con làm sạch, rán vàng rồi đem nấu với 50 – 100g gạo tẻ thành cháo, cho thêm 3 củ hành tươi và gia vị vừa đủ, chia ăn vài lần trong ngày để chữa đau lưng mạn tính.

Hải sâm: Có công dụng bổ thận, trị chứng đau lưng và đau gối. Sách Bản thảo Tùng tân viết, hải sâm bổ thận kinh, ích tinh tủy. Kinh nghiệm dân gian khuyên những người đau lưng nên dùng hải sâm, thận dê, đỗ trọng, hồ đào nhục, xương sống lợn, lộc giác giao và kỷ tử nấu canh ăn hàng ngày.

Đông trùng hạ thảo: Tính ấm, vị ngọt, có công dụng bổ hư tổn, ích tân khí. Sách Dược tính khảo viết, đông trùng hạ thảo bí tinh ích khí, chuyên bổ mệnh môn. Kinh nghiệm dân gian khuyên những người bị đau lưng nên dùng đông trùng hạ thảo 3-5g hầm cách thủy với gà trống ăn mỗi tuần 1 lần.

BS Khánh Hiển (Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)

Theo Đời sống
back to top