Thực phẩm giúp giảm mỡ máu cao

(khoahocdoisong.vn) - Mỡ máu cao hay còn gọi là rối loạn lipid máu là tình trạng thay đổi các thành phần đặc trưng cho lượng lipid - mỡ trong máu. Sự thay đổi này theo xu hướng: Tăng Cholesterol, tăng Triglycerid, tăng chỉ số LDL, giảm chỉ số HDL. Căn bệnh này được coi là điểm xuất phát của nhiều bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, huyết khối.

Mỡ máu cao nguy cơ gây bệnh tim mạch

Mỡ máu tăng cao lắng đọng ở thành mạch máu, kéo theo những chất vôi, chất đạm tiểu cầu... cũng đóng lại ở thành mạch. Sự lắng đọng này lâu dần tạo thành những mảng xơ vữa và làm cho mạch máu chai cứng. Mỡ máu cao không điều trị kịp thời sẽ khiến mảng xơ vữa ngày càng dày lên, nguy cơ làm tắc lòng mạch. Nếu thành phần lipid LDL tăng cao còn gây độc tế bào nội mạc mạch máu, làm lòng mạch dễ bị nứt loét, tạo điều kiện cho tiểu cầu kết tập và hình thành huyết khối (cục máu đông). Mảng xơ vữa và huyết khối có thể gây tắc mạch tại nhiều nơi khác nhau: tại tim gây đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, tại não gây tai biến mạch máu não, tại chi gây hoại tử chi… Như vậy, mỡ máu cao là khởi nguồn cho sự xuất hiện của mảng xơ vữa và huyết khối, từ đó gây ra các bệnh tim mạch nguy hiểm.

Khi một người bị mỡ máu cao thường không có biểu hiện rõ rệt. Đa số bệnh được phát hiện tình cờ do bệnh nhân đi khám sức khỏe định kỳ hoặc đến khám vì triệu chứng của một bệnh khác như bệnh mạch vành, tăng huyết áp, tiểu đường, gút… Mỡ máu cao thường xuất hiện ở người trên 40 tuổi, thể trạng béo phì, ít vận động, uống nhiều rượu bia, người bệnh tiểu đường. Những đối tượng này nên lưu ý kiểm tra lượng mỡ trong máu để phát hiện bệnh sớm trước khi những biến chứng tim mạch như nhồi máu cơ tim, huyết khối, bệnh mạch vành xảy ra.

ThS.BS Trịnh Hồng Sơn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, người béo phì, người có lượng cholesterol trong máu cao cần giảm năng lượng ăn vào càng sớm càng tốt. Xây dựng chế độ ăn giảm cân nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đủ cho cơ thể các chất dinh dưỡng cần thiết, đặc biệt là các vi chất dinh dưỡng (vitamin, chất khoáng) và phải có đủ các acid amin, acid béo cần thiết để duy trì sức khỏe. Chế độ ăn kiêng này thực chất là một chế độ ăn tạo sự thiếu hụt năng lượng tạm thời, hay nói khác đi là tạo ra sự cân bằng năng lượng âm tính (có nghĩa là năng lượng tiêu hao phải lớn hơn năng lượng ăn vào). Sự thiếu hụt năng lượng sẽ dẫn tới giảm trọng lượng cơ thể, giảm mỡ máu.

Giảm mỡ máu qua thực phẩm

Thành phần các chất dinh dưỡng đưa vào cơ thể nên: Giảm nguồn năng lượng ăn vào từ chất béo ở mức 15% năng lượng. Tránh tất cả các thực phẩm nhiều chất béo, nhiều cholesterol như: thịt mỡ, nước luộc thịt, bơ, fomat, các món xào rán, não, tim, gan, lòng lợn... Đạm có thể từ 15 – 25%  năng lượng của khẩu phần. Nhóm bột đường nên sử dụng bánh mì đen, ngũ cốc nguyên hạt, khoai củ. Đảm bảo đủ vitamin và muối khoáng, rau quả chín khoảng 400g/ngày. Nên ăn các loại rau xanh, đặc biệt lưu ý đến đậu, đậu nành, đậu đũa, đậu Hà Lan, đậu ván, đậu vàng, đậu đỏ. Một cốc sữa đậu nành một ngày có thể làm giảm lượng cholesterol xấu xuống trung bình 20%. Hai loại gia vị chống cholesterol rất có hiệu quả là tỏi và hành. Ăn sống các loại này sẽ tốt hơn vì khi nấu chín có thể mất đi các hoạt chất có ích.

Tất cả các loại rau quả đều tốt cho người bệnh vì chứa chất xơ, giúp cho quá trình tiêu hóa. Trong các loại rau nói chung đều chứa nhiều vitamin C, tốt cho người có mỡ máu cao. Các loại rau như cần tây, thìa là, rau mùi, bắp cải, ớt, cà rốt đều rất tốt. Ngoài ra về nước nên ưu tiên nước chè xanh, nước cỏ ngọt, nước hãm hoa và lá artiso. Hạn chế ăn mặn, tạo thói quen ăn uống điều độ đúng theo chế độ ăn, không ăn bánh, kẹo và uống nước ngọt có ga, không uống rượu, bia.

Bên cạnh chế độ ăn cần tăng cường luyện tập thể lực, tránh lối sống tĩnh tại, nên tranh thủ làm việc nhà để tiêu hao bớt năng lượng. Đối với người trưởng thành có tỷ lệ mỡ máu quá cao cần dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ và vẫn nên áp dụng chế độ ăn kiêng để tránh tai biến mạch máu não hoặc nhồi máu cơ tim.

Theo KH&ĐS
back to top