Thực phẩm cần ưu tiên khi bị thiếu máu dinh dưỡng

(khoahocdoisong.vn) - Thiếu máu dinh dưỡng là hiện tượng thiếu máu do thiếu một hay nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình tạo máu. Các chất dinh dưỡng tham gia vào tạo máu là chất đạm, sắt, acid folic, vitamin B12, B6, vitamin C, trong đó thiếu sắt là phổ biến. Trẻ thiếu máu thường dễ mệt mỏi so với trẻ bình thường và cần hạn chế tham gia các môn thể thao nặng.

ThS.BS Lê Thị Hải, nguyên Trưởng phòng Khám Tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, thiếu máu thường do người mẹ thiếu dinh dưỡng khi mang thai và cho con bú, trẻ hấp thu sắt kém, nhiễm ký sinh trùng đường ruột (nhiễm giun đũa, giun móc). Khi trẻ lớn, do nhu cầu sắt tăng nhưng trẻ không được chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ, toàn diện, mắc các bệnh nhiễm trùng… nên dễ thiếu máu.

Muốn biết trẻ thiếu máu cần xét nghiệm công thức máu toàn bộ như phết máu ngoại biên, kiểm tra sắt, bao gồm kiểm tra lượng ferritin và huyết thanh của sắt để xem thiếu máu có phải do thiếu sắt hay không. Ngoài việc làm các xét nghiệm trên, bác sĩ có thể yêu cầu xem tiền căn bệnh tật của gia đình và cả những dấu hiệu các thuốc trẻ từng uống để tìm ra căn bệnh chính gây ra bệnh thiếu máu. Theo các chuyên gia, trẻ thiếu máu có da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, trẻ mệt mỏi, ăn kém, còi cọc, ngại hoạt động, đặc biệt hệ miễn dịch suy yếu, ảnh hưởng đến chỉ số thông minh (IQ), kết quả học tập kém.

Trẻ thiếu máu cần ưu tiên các thực phẩm giàu sắt như gan, tim, bầu dục, trứng, thịt, cá, tôm, cua, đậu, đỗ, lạc vừng, rau xanh và quả chín. Trong số các loại thịt, loại thịt chứa nhiều sắt thường là thịt đỏ như thịt bò, cừu, thịt lợn nạc (phần bắp đùi), trong đó thịt bò và thịt cừu là hai loại thịt chứa nhiều sắt nhất. Đây là loại thịt có tác dụng giúp hạ cholesterol trong cơ thể, tránh thừa cholesterol ở trẻ sau này. Gan lợn cũng là món ăn nên ưu tiên. Gan lợn chứa rất nhiều các chất dinh dưỡng như vitamin A, vitamin B, vitamin D cùng các khoáng chất khác giúp cơ thể trẻ phát triển khỏe mạnh. Sò nhỏ rất dễ ăn, dễ chế biến. Sò cung cấp đến 53mg sắt, tương đương 295% lượng sắt cơ thể cần thiết mỗi ngày. Đối với rau quả, nên ưu tiên loại giàu vitamin C như cam, quýt, chuối, đu đủ, rau ngót, rau muống để hỗ trợ hấp thu sắt.

Bên cạnh đó, rau diếp cũng là lựa chọn hợp lý cho các bữa ăn của trẻ. Trong rau diếp có chứa hàm lượng sắt và kẽm nhất định. Việc ăn thường xuyên loại rau này không những giúp bù sắt mà còn có thể giúp trẻ phòng ngừa được các bệnh về tim mạch, huyết áp cao. Súp lơ xanh, rau ngót, khoai tây hay các loại đậu đỗ cũng là thực phẩm giàu sắt cần ưu tiên. Khi  trẻ đã bị thiếu máu, chế độ ăn chỉ có tính chất hỗ trợ, bên cạnh chế độ ăn phải cho trẻ uống các chế phẩm có chứa sắt theo chỉ định của bác sĩ.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top