Đông y - Trà đan sâm trị thiếu máu cơ tim

(khoahocdoisong.vn) - Trong y học cổ truyền, đan sâm được dùng làm thuốc hoạt huyết, tăng cường tuần hoàn máu, làm hết ứ máu, chữa bệnh tim, tâm hư, hồi hộp, đau nhói ở ngực, đau thắt ngực….Dùng đan sâm phối hợp với một vài vị thuốc thành trà uống trong ngày có tác dụng rất tốt để phòng chống mệt mỏi và đau tức ngực do thiếu máu cơ tim.

Thiếu máu cơ tim là tình trạng bệnh lý động mạch vành thường gặp, đặc biệt ở những người có tuổi và cao tuổi. Biểu hiện trên lâm sàng bằng cơn đau thắt ngực, nặng hơn có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim. Y học cổ truyền đề cập đến bệnh lý thiếu máu cơ tim trong các chứng bệnh như Tâm giảo thống, Trấn tâm thốngHung tý với các biện pháp trị liệu khác nhau, trong đó có việc sử dụng các phương trà dược từ đan sâm.

Đan sâm là rễ phơi hay sấy khô của cây đan sâm. Vỏ rễ cây này trông giống sâm mà lại có màu đỏ nên gọi là đan sâm. Theo y thư cổ, đan sâm vị đắng tính hơi lạnh, vào được hai kinh tâm và can, có công dụng hoạt huyết khứ ứ, tiêu thũng chỉ thống, lương huyết dưỡng huyết và an thần; thường được dùng để chữa các chứng bệnh của Đông y do huyết ứ gây nên như thống kinh, bế kinh, kinh nguyệt không đều, tâm thống, hung hiếp thống, quản phúc thống, phong thấp tý thống, ung thư thũng thống, tâm quý chính xung, trật đả thương tổn…

Nghiên cứu hiện đại cho thấy, với thành phần chủ yếu gồm Tanshinone I, IIA và IIB,  Cryptotanshinone, Salvianolic acid A, B và C, Tanshiquinone…. đan sâm có tác dụng dược lý khá phong phú, trong đó có tác dụng với tim mạch như: Làm giãn và tăng lưu lượng động mạch vành, phòng chống tích cực tình trạng thiếu máu và hoại tử cơ tim, làm chậm nhịp tim; Cải thiện vi tuần hoàn, nâng cao sức chịu đựng của tế bào não và cơ tim trong điều kiện thiếu oxy; Chống đông máu, ức chế chức năng tiểu cầu và ổn định màng hồng cầu; Điều chỉnh rối loạn lipid máu: làm giảm cholesterol và triglycerid; Ức chế và làm chậm quá trình hình thành các mảng vữa xơ động mạch….

 Trà đan sâm ẩm:  Đan sâm 150g, sa nhân 30g, đàn hương 15g. Cả ba vị sấy khô, tán vụn, mỗi ngày dùng 20g hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng: Lý khí, hoạt huyết, chỉ thống.

 Trà sâm hương thông mạch:  Đan sâm 200g, đẳng sâm 150g, sa sâm 120g, đàn hương 50g. Tất cả sấy khô, tán vụn, mỗi ngày lấy 40 - 50g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng: Hoạt huyết lý khí, bổ khí nhuận phế.

Trà đan sâm hoạt huyết: Đan sâm 9 - 12g tán vụn hãm cùng 3g trà xanh với nước sôi trong bình kín, sau 10 phút thì dùng được, uống trong ngày. Công dụng: Hoạt huyết hoá ứ, thanh tâm trừ đàm.

Trà sâm kim hoạt huyết, thông mạch: Hồng hoa 90g, đan sâm 150g, uất kim 70g, qua lâu 200g, cam thảo sao 60g. Các vị sấy khô nghiền vụn, mỗi ngày dùng 60g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng: hoạt huyết hoá ứ, lý khí khoan hung.

Trà tâm thất đan sâm: Tam thất 100g, đan sâm 150g, đường trắng lượng vừa đủ. Tam thất và đan sâm sấy khô, tán vụn, mỗi ngày dùng 25g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, chế thêm đường trắng uống thay trà trong ngày. Công dụng: Hoạt huyết tán ứ, chỉ huyết định thống.

Trà cát căn đam sâm: Sinh cát căn (củ sắn dây sống) 150g, đan sâm 180g, bạch linh 90g, cam thảo 60g. Tất cả sấy khô, tán vụn, mỗi ngày dùng 40g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng: Thăng thanh sinh tân, hoạt huyết hoá đàm.

ThS Hoàng Khánh Toàn (Chủ nhiệm khoa Y học cổ truyền Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
Đau ngón tay và gấp duỗi khó

Đau ngón tay và gấp duỗi khó

Một số trường hợp gân gấp bị viêm xuất hiện cục viêm xơ, làm di động của gân gấp qua vùng ngón tay bị cản trở. Mỗi lần gấp hay duỗi ngón tay rất khó khăn, bệnh nhân phải cố gắng mới bật được ngón tay ra.
back to top