Thực hư “tảng đá biết đi” ở thung lũng Chết

Hiện tượng những hòn đá di chuyển tại khu vực thung lũng chết là một bài toán bí ẩn chưa có lời giải đáp trong suốt nhiều năm qua.

Thung lũng chết là gì?

Mang cái tên bi thương nhưng “thung lũng Chết” Death Valley (Mỹ) nhiều năm nay vẫn thu hút được sự chú ý của khách du lịch và những người hiếu kỳ trên khắp thế giới.

Tọa lạc gần biên giới bang California và Nevada, "thung lũng chết" nằm ở nơi thấp nhất, khô nhất và nóng nhất Bắc Mỹ. Thung lũng này trải dài trên 136,2km và có diện tích đạt 7.800km2. Đây cũng là điểm sâu nhất Bắc Mỹ, nằm ở độ sâu 86m dưới mực nước biển.

Cái tên "thung lũng chết" được sử dụng cách đây 150 năm. Chuyện ghi lại là: Mùa đông năm 1849, một nhóm đi tìm vàng đi ngang qua thung lũng này. Do không chống chọi được với thời tiết khắc nghiệt ở đây nên chẳng bao lâu sau, nhiều người chỉ còn là những đống xương trắng bị chôn vùi trong biển cát mênh mông. Một số ít người sau khi vượt ra được nơi này đã reo lên rằng “tạm biệt thung lũng chết” và cái tên "thung lũng chết" ra đời từ đó.

"Thung lũng Chết" là một phần của Công viên quốc gia cùng tên thuộc Khu dự trữ sinh quyển sa mạc Mojave và Colorado. Nó sở hữu nhiều đặc tính cơ bản của những khu vực nằm dưới mực nước biển.

Được bao quanh bởi những dãy núi cao, bề mặt bằng phẳng nên nhiệt độ bị mặt trời nung nóng khó có thể bị hấp thụ hoặc thoát khỏi thung lũng. Khí nóng bốc lên ngay lập tức bị áp suất không khí nén xuống, khiến cho không khí bên trong thung lũng nóng và ngột ngạt hơn. Quá trình này diễn ra liên tiếp khiến không khi nóng lưu thông khắp "thung lũng Chết".

Ở Death Valley, hầu như quanh năm không có một giọt mưa và có tới 6 tuần trong năm nhiệt độ lên tới trên 40 độ C, nhiệt độ nóng kỷ lục là 56,7°C. Mùa Hè năm 2001, trong 154 ngày liên tục, nhiệt độ ở Thung lũng Chết luôn trên 38 độ C. Nhiệt độ cao nhất đo được ở "thung lũng Chết" là 56,7 độ C vào ngày 10/7/1913.

Mỗi khi có mưa xuống, những nơi nóng rực sẽ có những lớp bùn đỏ trôi ra trông như núi lửa phun trào. Vì thế, nơi đây còn có tên gọi là “miệng núi lửa chết”.

Các chuyên gia đi tìm lời giải

Các nhà khoa học lại từng ghi nhận một khối đá nặng tới 300kg đã tự tạo thành một vệt đường dài tới khoảng 50cm. Làm thế nào để chúng có thể tự di chuyển một cách thần kỳ như vậy?

Trước kia, từng có một giả thuyết khoa học khác về hiện tượng này là nhờ lực hấp dẫn Trái đất. Tuy nhiên, nghiên cứu địa chất cho thấy địa hình nơi đây khá bằng phẳng, phía nam chỉ thấp hơn phía bắc vài cm nên giả thuyết này đã nhanh chóng bị bác bỏ.

Ngày càng có nhiều giả thuyết nhưng không có một lý giải nào có vẻ là khả thi… Không chỉ vậy, bất chấp hàng trăm nỗ lực ghi hình, vẫn chưa có ai thành công trong việc quay phim hay chứng kiến được những chuyển động bí ẩn này, tất cả những gì có thể ghi nhận được là sự dịch chuyển vị trí của các hòn đá lớn bé khác nhau cùng những đường trượt dài trên nền đất.

Năm 1948, những "hòn đá ma thuật" này lần đầu được nghiên cứu bởi 2 nhà địa chất học là Jim McAllister và Allen Agnew. Vào năm 1998, Paula Messina, nhà địa chất học Đại học San José và các cộng sự đã quyết định liệt kê tất cả các sự dịch chuyển đã xảy ra trong năm trên một trăm viên đá để lý giải cho việc một viên đá cao hơn 5cm có thể tự dịch chuyển.

Để thực hiện nghiên cứu này, nhóm đã gắn thiết bị định vị GPS với từng viên đá và ghi lại tất cả dữ liệu liên quan để đánh giá chuyển động của từng viên. Điều kỳ lạ là, mỗi viên đá đều di chuyển theo lộ trình riêng chứ không hề theo cùng một hướng (đi thẳng, lượn sóng, rẽ trái, phải), không cùng quãng đường (vài centimet đến vài trăm mét), đôi khi chúng còn cắt ngang nhau.

Lời giải cho những hòn đá ma thuật “biết đi"

Mãi cho đến năm 2011, 2 nghiên cứu của 2 nhóm các nhà khoa học khác nhau đã phần nào tìm ra lời giải cho những hòn đá biết đi tại Thung lũng Chết.

Trong nghiên cứu phối hợp giữa Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng tại Đại học Johns Hopkins ở Maryland và NASA, Ralph Lorenz và nhóm của ông đã thiết lập các trạm khí tượng để so sánh khí hậu ở Racetrack Playa với các nơi khác trên thế giới và phát hiện ra rằng trên các bãi biển của Bắc Băng Dương cũng xảy ra hiện tượng chuyển động tương tự.

Lời giải được đưa ra: Dưới viên đá là 1 lớp băng tích tụ sau những cơn mưa hiếm hoi do gặp nhiệt độ thấp về đêm; vào mùa đông khi nắng lên, lớp băng tan chảy từ từ, đóng vai trò như một "chiếc giày trượt băng" giúp giảm ma sát giữa viên đá và đất nền, cộng với gió thổi thì càng dễ khiến hòn đá di chuyển.

Bên cạnh đó, nhóm của Richard Norris, một giáo sư tại Viện Hải dương học Scripps ở San Diego, thực hiện một nghiên cứu thú vị không kém khi tự mang 15 khối đá khác nhau đến thử nghiệm trường kỳ tại Thung lũng Chết. 15 viên này đều được trang bị GPS, dàn máy giám sát chuyển động, một trạm khí tượng đo đạc sức gió mỗi giây 1 lần và camera ghi hình liên tục.

Đầu năm 2014, họ ghi nhận thành công sự dịch chuyển của một số viên đá và minh chứng ủng hộ cho giả thuyết: Tổng hòa của các yếu tố tự nhiên - mưa, băng, gió và nắng - đã giúp những hòn đá có thể dịch chuyển.

Cụ thể hơn cho lời giải về những hòn đá ma thuật

Đầu tiên, mưa phải đủ để tạo một lớp nước dày khoảng từ 3-7cm.

Tiếp theo, mặt nước này sẽ đóng lại thành một lớp băng mỏng khi nhiệt độ xuống thấp vào ban đêm hoặc vào mùa đông. Lớp băng này đủ để chỉ bao quanh phía dưới của hòn đá chứ không phải toàn bộ.

Khi mặt trời lên kéo theo nhiệt độ tăng cao, những tảng băng sẽ nứt ra thành từng mảng và tan chảy từ từ. Cuối cùng, những cơn gió sẽ đẩy những tảng băng nổi trên nền đất ướt, khiến những hòn đá di chuyển theo, để lại những vết dài trên nền đất.

Mặt khác, tốc độ dịch chuyển rất chậm nên mắt thường rất khó có thể nhận thấy được. Quá trình này có thể mất vài tháng đến vài năm để có thể tạo ra những dấu vết rõ ràng. Thêm vào đó, những nghiên cứu mới chỉ ghi nhận sự dịch chuyển ở những hòn đá vừa và nhỏ mà thôi.

Với những hòn đá to như hòn đá nặng 300kg di chuyển gần 50cm thì câu trả lời này có vẻ vẫn chưa mấy thuyết phục. Vì vậy, câu chuyện xung quanh bí ẩn những hòn đá biết đi vẫn chưa bao giờ hết lôi cuốn

Theo Đời sống
back to top