Ngày nay, các hiện vật này được trưng bày tại nhiều bảo tàng thuộc hệ thống Bảo tàng Quân đội nhân dân Việt Nam trên cả nước, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách. Trong đó, có không ít hiện vật đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, Khoa học & Đời sống/ Báo Tri Thức & Cuộc Sống xin giới thiệu ba vũ khí đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam được công nhận là Bảo vật quốc gia (công nhận trong đợt 1 theo Quyết định số 1426/QĐ-TTg, ký ngày 1/10/2012).
Xe tăng T-54 số hiệu 843: “Thần tốc và quyết thắng”
Xe tăng T-54 số hiệu 843 - được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự, Hà Nội - là hiện vật đóng vai trò quan trọng trong thời khắc lịch sử quyết định chiến thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh.
Được biên chế trong Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Tăng Thiết giáp 203, Quân đoàn 2 thời kháng chiến chống Mỹ, vào cuối tháng 3/1975, chiếc xe tăng này đã tham gia chiến dịch giải phóng Huế, Đà Nẵng. Bước sang tháng 4/1975, xe tăng 843 tiếp tục hành quân tham gia giải phóng các tỉnh ven biển miền Trung và thẳng tiến về Sài Gòn với tinh thần “thần tốc và quyết thắng”.
Xe tăng T-54 số hiệu 843. Ảnh: Báo điện tử - Đảng Cộng sản Việt Nam. |
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, xe tăng số hiệu 843 luôn dẫn đầu đội hình binh đoàn, phá vỡ các tuyến ngăn chặn của địch. Từ ngày 26 – 29/4/1975, cố chiến xa này đã tham gia chiến đấu đập tan tuyến phòng thủ của địch ở căn cứ Nước Trong. Ngày 30/4/1975, xe tăng 843 đã dẫn đầu đội hình vào Sài Gòn, trên đường đến Dinh Độc Lập đã bắn cháy 3 xe tăng và bọc thép của địch.
11h ngày 30/4/1975, xe húc vào cổng phụ của Dinh Độc Lập. Bị chết máy, đồng chí Đại đội trưởng Đại đội 4 Bùi Quang Thận, chỉ huy xe tăng 843, nhảy ra khỏi xe và cắm lá cờ lên nóc Dinh Độc Lập. Đây là sự kiện đánh dấu giờ phút thiêng liêng của dân tộc, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Năm 1979, nhân kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, xe tăng số hiệu 843 được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Máy bay chiến đấu MiG-21 F96 số hiệu 5121: Chiến tích phi thường
Cũng được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, chiếc máy bay chiến đấu MiG-21 F96 số hiệu 5121 của Không quân Nhân dân Việt Nam đã lập một chiến tích vô song trong lịch sử quân sự thế giới.
Được Liên Xô viện trợ cho Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ, chiếc tiêm kích phản lực này từng thuộc biên chế Trung đoàn 921, Sư đoàn 371, là Trung đoàn tiêm kích đầu tiên của Không quân Nhân dân Việt Nam.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, vào đêm 27/12/1972, chiếc MiG-21 F96 số hiệu 5121 do anh hùng Phạm Tuân lái, xuất kích từ sân bay Yên Bái đến vùng trời Sơn La thì phát hiện máy bay B-52. Do địch chưa biết có MiG-21 bám đuôi, Anh hùng Phạm Tuân nhanh chóng vượt qua hàng rào máy bay tiêm kích yểm hộ cho B-52, điều chỉnh đường ngắm và bắn liền hai quả tên lửa hạ siêu pháo đài bay. “Kỳ quan kỹ thuật” của quân đội Mỹ bốc cháy ngùn ngụt rồi lao xuống đất.
Máy bay chiến đấu MiG-21 F96 số hiệu 5121. Ảnh: VOV. |
Sau đó, phi công Phạm Tuân điều khiển chiếc MiG quay về sân bay Yên Bái an toàn. Ngay trong đêm 27/12, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng – Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã điện khen ngợi bộ đội không quân lập công xuất sắc.
Cho đến nay MiG-21 F96 số hiệu 5121 là chiếc máy bay tiêm kích duy nhất trên thế giới bắn hạ được B-52 trên bầu trời bằng tên lửa không đối không. Trong phần lớn các trường hợp khác, B-52 bị bắn hạ bằng tên lửa đất đối không.
Ngoài kỳ tích bắn rơi pháo đài bay B-52, chiếc MiG-21 5121 còn bắn rơi thêm 4 chiếc máy bay các loại của Mỹ khi được hai phi công Vũ Đình Rạng và Đinh Tôn điều khiển.
Sau thời gian dài tham chiến, MiG-21 5121 được chuyển làm nhiệm vụ huấn luyện, tuần tiễu, diễn tập. Đến năm 1985, chiếc chiến đấu cơ này được điều về Trung đoàn không quân 920, thuộc trường Sĩ quan chỉ huy kỹ thuật không quân (nay là Trung đoàn 490 – Trường Sĩ quan không quân).
Tại đây, “cánh én bạc” 5121 tham gia huấn luyện, đào tạo hàng chục phi công với gần 300 giờ bay, đào tạo nhân viên kỹ thuật, phục vụ tham quan ngoại khóa cho học viên.
Tháng 10/2007, khi đang làm nhiệm vụ huấn luyện trong Nha Trang, chiếc MiG-21 từng bắn hạ “pháo đài bay” B-52 được Trường Sĩ quan không quân xử lý an toàn, vận chuyển từ Khánh Hòa về lắp ráp và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Pháo cao xạ 37mm M1939 (61-K): Bảo vệ bầu trời Điện Biên Phủ
Được lưu giữ tại Bảo tàng Phòng không - Không quân, pháo cao xạ 37mm M1939 (61-K) là một trong những hiện vật tiêu biểu, gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu của quân và dân ta năm 1954.
Đây là một khẩu pháo phòng không cỡ nòng 37mm do Liên Xô viện trợ cho Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, khẩu pháo này thuộc Khẩu đội 3, Đại đội 827, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367. Đêm 1/2/1954, tại dốc Chuối, Điện Biên Phủ, trong đợt kéo pháo ra theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc” thì dây tời bị đứt, Khẩu đội trưởng Tô Vĩnh Diện đã mưu trí, dũng cảm, lái càng pháo vào vách núi để bảo vệ pháo. Đồng chí đã hy sinh anh dũng nhằm bảo vệ an toàn vũ khí.
Pháo cao xạ 37mm M1939 (61-K). Ảnh: Phó Nháy / Wikipedia. |
Việc xuất hiện pháo cao xạ tại lòng chảo Điện Biên Phủ là điều bất ngờ đối với quân Pháp. Những khẩu pháo này đã “dệt lưới lửa” trên bầu trời, chặn đứng việc chi viện bằng đường hàng không cho quân Pháp tại Điện Biên Phủ.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, pháo cao xạ 37mm thuộc Khẩu đội 3 đã bắn rơi 3, bắn bị thương 13 máy bay địch, góp phần không nhỏ vào chiến thắng Điện Biên Phủ. Tấm gương hy sinh thân mình cứu pháo của đồng chí Tô Vĩnh Diện đã được cán bộ, chiến sĩ toàn quân học tập, nêu gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Tinh thần Tô Vĩnh Diện đã lan tỏa trên khắp các trận địa, các đơn vị trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Có thể khẳng định, pháo cao xạ 37mm M1939 (61-K) là vật chứng ghi dấu sự hy sinh và chiến công to lớn của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ - chiến dịch có ý nghĩa quyết định, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc. Nhằm mục đích giáo dục lịch sử cho thế hệ mai sau, hiện vật đã được đưa về gìn giữ trong Bảo tàng Phòng không - Không quân.