Nhầm lẫn giữa cây Đu đủ và cây Pawpaw
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TSKH.NGND Trần Công Khánh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây thuốc dân tộc cổ truyền cho biết, vấn đề này đã có một thời gian lan truyền nhanh chóng ở Việt Nam, nhưng sau đó lại rơi vào quên lãng, không có bất kỳ công trình nghiên cứu nào xác minh tác dụng của vị thuốc này.
Tuy nhiên, cũng có người đã dùng nước sắc lá Đu đủ chữa ung thư nhưng không thấy có hiệu quả. Gần đây, các báo lại rầm rộ nhắc đến. Việc này có thể làm cho người bệnh hiểu nhầm, dùng thuốc không có tác dụng, gây nguy hiểm tới tính mạng.
Theo PGS.TSKH.NGND Khánh, sở dĩ có tình trạng này là do có sự nhầm lẫn về tên gọi giữa hai cây Đu đủ của Việt Nam và cây Pawpaw của nước ngoài. Sự nhầm lẫn này vẫn xảy ra ở trong và ngoài nước. Ví dụ, một trong những tên nước ngoài của cây Đu đủ có sách viết “Pawpaw tree” – Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam, hoặc “Pawpaw” – The plantbook của D.J. Mabberley, Cambridge Univ. Press, UK, 1977. Ở Úc, New Zealand và một vài địa phương ở Bắc Mỹ thì cây Papaya (Đu đủ) cũng gọi là Pawpaw …”
Cây đu đủ
Đầu năm 2014, tôi nhận được thiếp chúc mừng năm mới của giám đốc vườn thực vật Missouri (USA). Trên thiếp của chính vườn thực vật này có in hình 10 cây ăn quả nhiệt đới trong đó có cây Đu đủ với chú thích là Carica papaya cũng có tên là Pawpaw.
Chắc người biên soạn có sự nhầm lẫn! Chuyện nhầm lẫn kiểu này cũng thường gặp ở nước ta, do tên gọi khác nhau giữa các vùng miền.” – PGS.TSKH.NGND Khánh nói.
PGS.TSKH.NGND nhấn mạnh, cây Đu đủ và cây Pawpaw là hai loài khác nhau và không có quan hệ thân thuộc, nên hoạt chất khác nhau và tác dụng sinh học cũng hoàn toàn khác nhau. Cây Đu đủ (tiếng anh là Papaya, tiếng Pháp là Papayer), tên khoa học là Carica papaya L., thuộc họ Đu đủ (Papayaceae), là một cây ăn quả có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới châu Mỹ, được nhập trồng ở Việt Nam từ rất lâu đời.
Cây Pawpaw (có sách đề là Papaw), tên khoa học là Asimina triloba (L.) Dunal, thuộc họ Na (Annonaceae), một cây của vùng ôn đới Bắc Mỹ, không có trong hệ thực vật ở Việt Nam và lẽ dĩ nhiên không có tên Việt Nam.
Hoạt chất chữa ung thư có ở đâu?
PGS.TSKH.NGND Khánh chia sẻ, một thảo dược có tác dụng chữa ung thư, y học quan tâm ở khía cạnh đó là: thảo dược này có chất gì, chống ung theo cách nào, có thể chiết xuất ra chất đó không, có tác dụng phụ không, thảo dược đó có chất độc không…
Với Đu đủ là cây thân mềm, ít khi phân nhánh, phiến lá to, chia 8 – 9 thùy sâu, gân lá hình chân vịt, cuống lá rất dài và rỗng ở giữa, hoạt chất chủ yếu là papain (có nhiều trong nhựa mủ), lá chứa các alcaloid như carpain, quả chín còn có các chất carotenoid.
Y học dân gian nước ta, Ấn Độ, Indonesia, Nepal có dùng lá, quả xanh và hoa Đu đủ làm thuốc chữa bệnh, trị giun đũa, giun kim. Nước sắc lá Đu đủ có tác dụng kháng khuẩn, dùng rửa vết thương lở loét; Lá giã nát đắp chữa mụn nhọt, tiêu sưng tấy. Quả Đu đủ chín có vị ngọt, bồi bổ sức khỏe, giúp tiêu hóa, nhuận tràng.
Cây Pawpaw
Pawpaw là cây thân gỗ, phân cành nhiều. Lá mọc so le, phiến lá nguyên tựa như lá cây Na (Mãng cầu), cuống lá ngắn, quả ở nách lá trên cành. Lá chứa chất acetogenin, có tính độc, được cho là có tác dụng chữa bệnh ung thư (do ngăn chặn sự tạo thành ATP trong tế bào, nhất là loại tế bào ung thư cần nhiều năng lượng).
Vỏ thân cũng chứa acetogenin, trong đó có asimin, asiminacin và asiminecin. Quả Pawpaw chứa nhiều axit béo. Hạt chứa chất asimitrin và 4 – hydroxytrilobin, độc với tế bào.
Như vậy, lá và vỏ cây Pawpaw có tác dụng chữa bệnh ung thư vì có chất acetogenin. Lá cây Đu đủ không có chất này. Cho tới nay nước sắc lá Đu đủ chữa ung thư vẫn chưa được khoa học công nhận. Vì vậy, cần thận trọng khi sử dụng.
PGS.TSKH.NGND Khánh cũng khuyên, để dùng đúng và chính xác cây thuốc, tránh tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt” khi dùng thuốc người dân cần tìm hiểu tên khoa học (tên La tinh) của cây thuốc để tránh sự nhầm lẫn.
Nhật Hà