Hỏi: Tôi thường mua thịt lợn hữu cơ với giá cao hơn nhiều thịt lợn thông thường vì nghĩ rằng thịt lợn hữu cơ thì chắc chắn an toàn và bổ dưỡng hơn, xin hỏi có đúng không?
Trần Phương Minh (Hà Nội)
TS Phạm Kim Đăng, khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Thịt lợn sạch là thịt phải đạt đủ 3 tiêu chuẩn sạch về lí học, hóa học và sinh học.
Trong thịt không được có lẫn những thành phần nào ngoài thành phần của thịt, ví dụ như mảnh kim hay kim loại gãy, bị giắt vào khi lợn được tiêm... hay do vận động... Thịt không được có các chất tồn dư của thuốc, hay hóa chất mà lợn ăn vào, ví dụ: kháng sinh, kim loại nặng, chì, asen, thủy ngân... Thịt không có kí sinh trùng, virus gây bệnh, giun, sán...
Dù các loại thịt hữu cơ được bán khá nhiều trên thị trường nhưng tất cả đến nay vẫn là tự doanh nghiệp quảng cáo, giới thiệu mà chưa có bất kỳ chứng nhận hay tiêu chuẩn cụ thể nào từ phía cơ quan chức năng.
Đến nay tại Việt Nam chưa có bộ tiêu chuẩn, hay quy chuẩn nào về thịt lợn hữu cơ. Hiện trong lĩnh vực chăn nuôi mới có bộ quy chuẩn chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap (thực hành nông nghiệp sạch) do Cục Chăn nuôi xây dựng. Người tiêu dùng khi mua rau, thịt hữu cơ, thường chỉ căn cứ vào thông tin quảng bá của đơn vị sản xuất, chứ không có một bộ tiêu chí nào để nhận biết, so sánh thịt lợn hữu cơ với thịt lợn thông thường khác.
Khi chọn thịt cần tránh loại có lớp mỡ dưới da mỏng, lỏng lẻo, dày chưa đến 1cm (trong khi lớp mỡ của lợn nuôi bình thường dày từ 1,5 – 2cm). Khi thái thịt, nếu miếng thịt mềm, không đứng vững được thì có khả năng là loại bị sử dụng chất tạo nạc. Thịt lợn nuôi bằng chất tạo nạc thường có màu đỏ bất thường và sáng, bóng hơn bình thường, tuy nhiên lại dễ bị biến thành màu đỏ sậm ngả sang đen, khi ăn thường có cảm giác khô, không có vị béo của thịt. Thịt tươi ngon sẽ có độ săn chắc nhất định, sờ vào thớ thịt cảm giác đàn hồi, màng ngoài khô và dính.