Thịt dúi tăng cường sinh lực?

Thời gian gần đây nuôi dúi đã trở thành mô hình làm giàu của nhiều bà con nông dân. Thịt dúi trở thành đặc sản ở nhiều nhà hàng với những lời quảng cáo khá hấp dẫn: tráng dương, tăng cường sinh lực, cải thiện tuần hoàn máu, mát, bổ…

Đặc sản từ núi rừng

Dúi hay còn gọi chuột nứa là loài gặm nhấm trong rừng, chuyên ăn rễ tre, măng tre hay các loại cây thuộc họ tre, nứa và một số loại hạt, củ, quả. Vì thế người ta cho rằng thịt dúi sạch, an toàn, bổ hơn những loại gia cầm, vật nuôi. Thậm chí, bà con dân tộc còn cho rằng thịt dúi tốt cho chữa bệnh bởi dúi ăn rễ các cây thuốc trong rừng.

Ở Tây Bắc, dúi là đặc sản được chế biến nhiều món ngon như: hấp, nướng lá mắc mật, nấu giả cầy, treo gác bếp, xào mầm thảo quả…

Dúi xào lăn với mắc mật – món ăn tráng dương, tăng cường sinh lực.

Người Tây Nguyên thì coi món khô dúi, dúi nướng muối ớt, dúi măng… là những đặc sản cho ngày tết cổ truyền. Thời gia gần đây, dúi tự nhiên ngày càng khan hiếm nên nhiều mô hình chăn nuôi dúi phát triển.

Dúi không còn ăn măng, tre, rễ cây mà chủ yếu ăn mía. Dúi phát triển rất nhanh nên thịt dúi trở thành đặc sản của nhiều nhà hàng cho dân nhậu, đặc biệt là cánh mày râu muốn bồi bổ sinh lực. Trước khi làm thịt dúi, người cắt tiết lấy phần máu hồng hòa vào rượu uống tươi để mát gan, tăng cường sức khỏe.

Dúi sau đó được làm lông, thui vàng như chuột đồng rồi mổ moi bỏ ngũ tạng. Phần thân dúi tiếp tục được chế biến các món cùng nhiều loại gia vị khác.

Dúi nướng.

Theo TS BS Hoàng Thị Kim Thanh, nguyên chuyên gia tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, xét về phương diện dinh dưỡng, thịt dúi nạc, ít chất béo, tương đối cân bằng về các chất vitamin và khoáng chất.

Thịt dúi có thể so sánh với thịt của các loài gậm nhấm khác như thỏ, nhím, sóc, chuột đồng. Tuy nhiên thành phần của thịt dúi rừng tự nhiên sẽ chất lượng hơn dúi nuôi. Cứ 100 gram thịt dúi đã bỏ xương có chứa khoảng 100 calo; 23g chất đạm; 1g chất béo, 80mg Cholesterol, 12g can xi, 3.2 mg Sắt, 157mg Phốt pho cùng nhiều nguyên tố vi lượng khác.

So sánh với 100g thịt bắp bò chứa khoảng 27g chất đạm, 11g chất béo và 200 calo, 3 mg sắt, thì thịt dúi ít béo, nhiều đạm, giàu can xi, chất sắt và phốt pho hơn hẳn. Tuy nhiên, lượng cholesterol trong thịt dúi rất cao.

Giàu đạm nhưng cholesterol cao

TS Nguyễn Thị Vân Anh, nguyên Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương cho biết, dúi rừng ăn nhiều rễ cây dược liệu quý nên thịt chúng được ví như một túi dược liệu.

Dúi hầu như không có bệnh dịch gì, chỉ bị tiêu chảy, đau mắt, ve rận, bọ chét… nên thịt của chúng khá lành. Theo đông y tiết dúi mát, bổ, tăng cường tuần hoàn máu, thịt vị ngọt, tính hơi ấm, giàu đạm, ôn thận, trợ dương, có tác dụng mạnh khí, ích tinh, hàn thương tích, liền xương cốt.

Gan dúi vị đắng, tính ấm, có tác dụng trừ cam tích, bình can, cường khí huyết, minh mục (sáng mắt). Bà con dân tộc thường dùng dúi chữa trị cơ thể suy nhược, trẻ em cam tích, các vết thương, vết bỏng, gãy xương, đau lưng, nhức mỏi.

Những người huyết áp thấp, thiếu máu, suy nhược cơ thể, đau lưng, nhức mỏi ăn dúi hấp, dúi hầm thuốc rất tốt cho cơ thể. Khi ăn cần chế biến kèm các gia vị như rau chuối rừng, gừng, sả, giềng, mẻ, mắm tôm, mắc khén (tiêu rừng), tỏi… để bình vị, dễ tiêu hóa hơn.

Tiết dúi – được đồn thổi là có tác dụng cường dương.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho hay, tiết dúi chỉ có tác dụng trợ dương chứ không cường dương như mọi người đồn thổi. Mặt khác, do hàm lượng đạm cao, cholesterol ở mức rất cao (80mg/100g) nên những người bị bệnh gout, cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường, máu nhiễm mỡ ăn sẽ có hại cho sức khỏe.

Người bị gout nếu ăn thịt dúi sẽ tồn dư hàm lượng axit uric cao khiến bệnh trầm trọng hơn. Thai phụ ăn dúi bổ huyết, tăng cường chất sắt nhưng những người có tiền sử sản giật sẽ nguy cơ cao do tăng axit uric. Thịt dúi giàu đạm nên những người tiêu hóa kém cũng cần hạn chế ăn.

Đức Vinh

Theo Đời sống
back to top