Rong biển, cá, động vật có vỏ, sữa, trứng, mận khô, cung cấp iốt cùng một số khoáng chất quan trọng, hỗ trợ chức năng tuyến giáp hoạt động ổn định.
Hormone tuyến giáp cần thiết cho não bộ, xương và sự phát triển thể chất. Khi chức năng tuyến giáp bị phá vỡ có thể dẫn đến suy giáp, cường giáp. Suy giáp dễ xảy ra nếu thiếu iốt, triệu chứng gồm mệt mỏi, sưng tuyến giáp, giảm trí nhớ...Chị em nên bổ sung thường xuyên món ăn giàu iốt để tốt cho sức khỏe.
Một số món ăn giàu iốt để bổ sung phù hợp cho cơ thể
Rong biển giàu iốt, chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất. Lượng iốt trong rong biển tùy thuộc vào từng loại và cách chế biến như tảo bẹ, rong biển khô...
Cá là nguồn cung cấp omega-3, phốt pho, vitamin B2 và D. Các loại cá như cá tuyết, cá bơn còn chứa iốt tốt cho sức khỏe. Trong đó, cá nạc như cá tuyết nhiều iốt hơn cá béo chẳng hạn cá hồi.
Động vật có vỏ như tôm, cua, mực, sò điệp, nghêu, ốc, giàu protein, vitamin, khoáng chất, chất béo lành mạnh cho cơ thể. Chúng cũng chứa lượng iốt cao. Động vật có vỏ nuôi ở biển giàu iốt hơn các loại sống ở nước ngọt.
Món ăn giàu iốt tốt cho người tuyến giáp - Ảnh minh họa |
Sữa và các sản phẩm từ sữa bao gồm sữa chua, phô mai đều là những nguồn iốt dồi dào. Một ly sữa bột không béo chứa 85 mcg, một hộp sữa chua Hy Lạp có khoảng 116 mcg iốt. Chất dinh dưỡng trong sữa còn có lợi cho sức khỏe tuyến giáp.
Trứng chứa một số vitamin và dưỡng chất như sắt, folate, protein, các loại vitamin B12, B2, D, E... Trong quả trứng cũng có một lượng lớn iốt, hầu hết các dưỡng chất đều ở lòng đỏ. Một quả trứng luộc cung cấp 80 calo và chứa 24 mcg iốt.
Quả mận có vitamin và khoáng chất như sắt, canxi, magiê, vitamin B6, kali... Loại quả này mang lại lợi ích cho sức khỏe tim mạch, hỗ trợ kiểm soát cân nặng, giảm táo bón. 100 g mận khô cung cấp khoảng 9% giá trị iốt được khuyến nghị hàng ngày. Một cốc nước ép mận 200 ml cũng đem đến 3,3 mcg iốt.
Mức khuyến nghị iốt hàng ngày
Theo Hiệp hội Tuyến giáp Mỹ (ATA), lượng iốt tính bằng microgam (mcg) được khuyến nghị hàng ngày tùy thuộc vào độ tuổi như sau:
Trẻ sơ sinh đến 6 tháng: 110 mcg.
Trẻ 7-12 tháng: 130 mcg.
Trẻ 1-8 tuổi: 90 mcg.
Trẻ 9-13 tuổi: 120 mcg.
Thanh thiếu niên 14-18 tuổi: 150 mcg.
Người lớn: 150 mcg.
Thai phụ: 220 mcg.
Phụ nữ cho con bú: 290 mcg.
ThS.BS Nguyễn Văn Thái (Viện Y học phóng xạ và ung bướu quân đội)