Thay cage tăng giãn giải cứu chân liệt do thoát vị đa tầng

(khoahocdoisong.vn) - Bệnh viện E là đơn vị đầu tiên tại miền Bắc sử dụng cage tăng giãn thay thế đĩa đệm làm rộng đường ra của rễ thần kinh, giúp giải ép cho bệnh nhân hết liệt và đau, tê... do thoát vị nặng.

30% dân số bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Bệnh nhân L.H.V. (62 tuổi, Hà Nội) khoảng 5 năm trở lại đây đau lưng nhiều khi đi lại, đứng lâu. 3 năm nay bắt đầu xuất đau lưng kèm theo tê chân trái, đã đi khám Đông y, phục hồi chức năng và được chỉ định kéo dãn cột sống, châm cứu, thời gian đầu thì đỡ nhiều.

1 năm gần đây bệnh dần nặng hơn, đi kéo dãn hay châm cứu không đỡ, tê chân tăng dần. Bệnh nhân đi bộ chỉ được 10 - 20m lại phải nghỉ khoảng 10 phút mới đi đi tiếp. Các đợt đau càng ngày tăng. Đầu tháng 5/2021, bệnh nhân gần như không thể đi lại, ngồi cũng khó khăn. 

BSCKII Phạm Văn Bính kiểm tra sự phục hồi của bệnh nhân sau phẫu thuật.

BSCKII Phạm Văn Bính kiểm tra sự phục hồi của bệnh nhân sau phẫu thuật.

Kết quả chụp MRI cột sống thắt lưng cho thấy: thoát vị đĩa đệm đa tầng: L4-L5 và L5-S1 gây hẹp ống sống nặng. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật lấy khối thoát vị L4-L5 và đặt cage tăng giãn thay thế, hàn xương liên thân đốt sống và cố định cột sống. Sau mổ bệnh nhân hết đau tê chân, chỉ còn đau vết mổ. Sau 3 ngày được tập ngồi dậy đi lại, sau 4 ngày tập bệnh nhân thấy đi lại dễ dàng, không đau lưng hay tê chân, được xuất viện.

BSCKII Phạm Văn Bính, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện E cho biết, theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam có đến 30% dân số bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng và đang có xu hướng trẻ hóa, thường gặp ở lứa tuổi từ 20 - 55. Thoát vị đĩa đệm đa tầng là tình trạng thoát vị (lệch khỏi vị trí ban đầu) của 2 - 3 hoặc nhiều hơn đĩa đệm cùng lúc khiến các xơ bị tổn thương nghiêm trọng, tạo điều kiện thuận lợi để nhân nhầy thoát ra bên ngoài, chèn ép lên tủy sống và rễ thần kinh. Hậu quả là gây đau thắt lưng lan dọc xuống chân theo đường đi của rễ thần kinh tọa bị chèn ép (hội chứng thần kinh tọa). Nếu để bệnh kéo dài, nặng lên có thể sẽ dẫn đến tê hoặc mất cảm giác dọc đường đi dây thần kinh tọa, liệt chân, bí tiểu, khó đi cầu, mất cảm giác sinh dục…

Giải phóng thần kinh, cố định cột sống

Theo BSCKII Phạm Văn Bính, khoảng 80% các trường hợp thoát vị đĩa đệm thắt lưng có thể chữa bảo tồn bằng: Thuốc kháng viêm giảm đau, giảm co thắt, ức chế xung động thần kinh gây đau, bổ trợ thần kinh... kết hợp với nghỉ ngơi, tránh tư thế gây đau, hạn chế không cúi lưng, không khiêng vác nặng, không đứng ngồi lâu quá 40 phút... Bệnh dễ tái phát.

Hình ảnh cột sống được cổ định sau lấy đĩa đệm.

Hình ảnh cột sống được cổ định sau lấy đĩa đệm. 

Trường hợp điều trị bảo tổn không còn kết quả, bệnh nhân được chỉ định mổ phẫu thuật. Phương pháp mổ như ở bệnh nhân L.H.V. là lấy toàn bộ đĩa đệm L4-L5, L5-S1 và các thành phần thoái hóa gây chèn ép vào rễ thần kinh chi phối xuống chân, đến khi nhìn rõ đám rễ thần kinh thông thoáng, không bị chèn ép. Đặt cage tăng giãn thay thế 2 tầng đĩa đệm L4- L5 và L5S1. Dùng dụng cụ cố định 3 đốt sống vào với nhau có tác dụng làm vững cột sống.

Theo BSCKII Phạm Văn Bính, Bệnh viện E là đơn vị đầu tiên tại phía Bắc triển khai kỹ thuật thay đĩa đệm bằng cage tăng giãn. Trước kia phẫu thuật lấy đĩa đệm đi và đặt thay thế cage vào vị trí đĩa đệm, tạo khoảng cách giữa 2 thân đốt sống bằng loại cage cũ chỉ có một kích cỡ cố định không giãn ra được nên có người chật, người rộng khiến việc giải ép dễ thần kinh không triệt để. Còn với cage tăng giãn sau khi đặt vào đĩa đệm sẽ có dụng cụ làm giãn tăng kích thước lên, làm giãn đốt sống, lỗ ra của rễ thần kinh, giúp giải ép tốt hơn và không cần đo để chọn cỡ cage như trước.

Đây là một trong những kỹ thuật khó đòi hỏi nhiều sự tỉ mỉ, chính xác, kiên nhẫn do rễ thần kinh cột sống và tủy sống cực kỳ nhạy cảm, dễ tổn thương khó hồi phục hoặc có thể là không hồi phục được nếu có sang chấn. Tại Bệnh viện E khi phẫu thuật lấy đĩa đệm có sử dụng kính vi phẫu thế hệ mới giúp cho quá trình lấy đĩa đệm tránh được các tai biến. 

Theo BSCKII Phạm Văn Bính, kết quả phẫu thuật lại phụ thuộc vào thời gian bị bệnh dài hay ngắn và mức độ tổn thương thần kinh nhiều hay ít. Nếu mổ sớm, khả năng phục hồi có thể hoàn toàn. Vì vậy, khi bệnh nhân có biểu hiện: đau lưng lan xuống chân, đau tăng khi vận động đi lại, hạn chế cúi ngửa xoay lưng, đau thần kinh tọa... thì nên đi khám để có hướng điều trị thích hợp.

Theo Đời sống
Cách tránh hạ canxi máu sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm

Hạ canxi máu nguy hiểm thế nào?

Hạ canxi máu là bệnh lý nguy hiểm. Tình trạng hạ canxi máu kéo dài có thể dẫn đến suy tim, động kinh, loạn nhịp tim, lú lẫn, suy giảm trí nhớ, trầm cảm và ảo giác. Bệnh có thể điều trị được nếu phát hiện kịp thời.
back to top