Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy của đĩa đệm thoát ra khỏi bao xơ, chèn ép lên các tổ chức thần kinh và mạch máu lân cận. Có nhiều cách phân loại thoát vị đĩa đệm. Trong bài viết này sẽ đề cập đến thoát vị đĩa đệm ra sau, phân chia thoát vị đĩa đệm thành 3 loại chính: Thoát vị đĩa đệm thể trung tâm (thoát vị giữa): Chèn ép chủ yếu lên tủy sống; Thoát vị đĩa đệm thể cạnh trung tâm (thoát vị cạnh giữa): Chèn ép lên cả tủy sống và rễ thần kinh; Thoát vị thể bên (thoát vị lỗ ghép): Chèn ép chủ yếu lên rễ thần kinh.
Trong đó, thoát vị đĩa đệm thể trung tâm làm tủy sống bị chèn ép, đồng thời ảnh hưởng đến cả tuần hoàn vi tuần hoàn khu vực bị chèn ép.
1. Ảnh hưởng đến chức năng dẫn truyền của tủy sống: Tủy sống dẫn truyền các xung thần kinh hưng phấn từ các cơ quan thụ cảm lên thần kinh và theo chiều ngược lại. Bên cạnh đó, tủy sống còn bao gồm các đường dẫn truyền ngắn nối các đốt sống với nhau. Chèn ép tủy sống chính là chèn ép “kênh” dẫn truyền thông tin giữa não bộ và các cơ quan thụ cảm cũng như giữa các hưng phấn thần kinh dọc theo cột sống. Do đó, người bệnh có thể mất khả năng cảm giác, chi phối vận động của các cơ quan phía dưới kể từ đoạn có tổn thương.
2. Ảnh hưởng đến chức năng dinh dưỡng của tủy sống: Các tế bào thần kinh chi phối dinh dưỡng trong tủy sống bị tổn thương góp phần gia tăng thêm các hủy hoại của hiện tượng chèn ép.
3. Ảnh hưởng đến chức năng phản xạ của tủy sống:
Phản xạ thực vật: Tủy sống điều khiển mọi hoạt động của hệ thần kinh thực vật. Tủy sống bị tổn thương gây rối loạn các phản xạ này, dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực trên toàn bộ hệ thống như tăng huyết áp, tăng tiết mồ hôi, rối loạn thân nhiệt, rối loạn hô hấp, không kiểm soát được đại tiểu tiện...
Phản xạ da: Khi da mất cảm giác, khả năng phản xạ lại các tác nhân như cơ, nhiệt, điện đều xảy ra bất thường, có thể bị chậm, giảm cường độ hay thậm chí mất hoàn toàn.
Phản xạ gân: Khi bị tổn thương đoạn này, các gân xương bị mất phản xạ co duỗi, người bệnh không đáp ứng với các kích thích từ bên ngoài, mất khả năng nhanh nhạy để tránh các nguy hiểm đe dọa từ bên ngoài.
Phản xạ trương lực cơ: Nếu mất sự kiểm soát này, cơ sẽ mềm nhũn, các chi yếu đi, thậm chí dẫn đến bại liệt (khi kèm theo mất chức năng vận động).
Vì vậy, khi gặp phải bất kỳ triệu chứng dưới đây trong một thời gian dài và lặp lại thường xuyên, người bệnh nên đến bệnh viện để chụp X-quang, MRI và làm một số xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh.
Đau mỏi vai gáy: Đây là một hội chứng thường gặp ở bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm thể trung tâm. Bệnh lý này khiến cấu trúc của cột sống mất ổn định gây chèn ép lên rễ thần kinh, cơ bắp và các mô mềm xung quanh gây ra hiện tượng đau mỏi vai gáy.
Đau thần kinh tọa: Đĩa đệm bị thoát vị sẽ chèn ép lên dây thần kinh chạy dài từ đốt sống lưng đến hông, đùi, chân. Người bệnh sẽ cảm thấy nóng ran, tê bì, rối loạn cảm giác, yếu cơ, liệt chi và giảm khả năng vận động.
Một số biến chứng khác: Bệnh lý này còn gây ra một số biến chứng khác như thiểu năng tuần hoàn máu, teo cơ, hội chứng chùm đuôi ngựa, cong vẹo cột sống và có thể khiến người bệnh bị tàn phế vĩnh viễn.
BSCKII Hà Tường (Bệnh viện Phòng không – Không Quân)