Thảo dược trị huyết áp cao

(khoahocdoisong.vn) - Huyết áp cao là do máu gặp trở ngại nào đó khi lưu thông, làm cho tim chịu áp lực lớn khi chuyển máu hoặc tiếp nhận máu.  Mạch máu suy yếu có thể dẫn tới các triệu chứng như: Chảy máu não, nhồi máu cơ tim...  nên cần biết cách chữa trị, phòng ngừa.          

    Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì khi huyết áp tối đa trên 160mm thuỷ ngân, huyết áp tối thiểu trên 95mm thuỷ ngân được gọi là huyết áp cao.

Người bị cao huyết áp có thể tự cảm nhận được những triệu chứng của bệnh này như: Đau đầu, bả vai tê cứng, ù tai, tim đập nhanh... Nhưng triệu chứng đáng lo ngại nhất là xơ cứng động mạch do huyết áp cao gây nên. Đây là do khi bị huyết áp cao, động mạch của các cơ quan nội tạng cần phải chịu áp lực như nhau. Nguyên nhân làm mạch máu suy yếu có thể dẫn tới các triệu chứng như: Chảy máu não, nhồi máu cơ tim...

Để chữa trị huyết áp cao, phòng ngừa các cơn huyết áp cao đột ngột hãy dùng các loại thảo dược sau:

Bài 1: Hoa hòe 12g, quyết minh tử 6g, cam thảo Nam 2g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 2: Cúc hoa 12g, quyết minh tử (sao thơm) 12g, lá dâu 6g, hòe hoa 6g, cam thảo Nam 2g. Sắc uống ngày một thang, chia uống nhiều lần trong ngày.

Bài 3: Ích mẫu thảo 12g, lá dâu 12g, cam thảo Nam 2g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 4: Lá xú ngô đồng 12g, cúc hoa 12g, hoa hòe 6g, cam thảo Nam 2g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 5: Đỗ trọng 100g, nhân sâm 12g. Ngâm với 1 lít rượu trắng 29,5 độ (rượu lúa mới). Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 5ml. Hoặc: Đỗ trọng 5-12g, sắc uống ngày một thang. Hoặc: Đỗ trọng 5-12g, cúc hoa 12g, hoa hòe 6g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 6: Rễ Nhàu 20g. Sắc uống ngày một thang, chia 2 – 3 lần uống trong ngày. Hoặc rễ nhàu 20g, lá dâu 20g, hoa hoè 6g, hạt muồng muồng (quyết minh tử) 12g sao vàng. Sắc uống ngày một thang, chia 2 -3 lần uống trong ngày. Hay thân cây nhàu 20 – 30g, sắc uống thay nước trong ngày.

Bài 7:  Dùng 250g rau cần tây tươi, rửa sạch, nhúng vào nước sôi trong 2 phút, ép lấy nước. Mỗi lần uống một cốc nước rau cần, mỗi ngày 2 lần. Có tác dụng hạ huyết áp, an thần. Hoặc nước ép cần tây, trà tâm sen... là những thảo dược giảm huyết áp tốt.

Bài 8:  Nước sắc rau cần tây, táo đỏ: Rau cần 300g, táo đỏ 12 quả. Rau cần rửa sạch, cắt đoạn ngắn; táo đỏ rửa sạch. Cho cả hai vào nồi, cùng một lượng nước vừa đủ để nấu lấy nước uống trong ngày.

Bài 9:  Sơn tra 15g, lá sen 12g. Hai thứ thái nhỏ, đổ nước vừa đủ đun sôi hoặc hãm nước sôi uống. Ngày uống 1 lần.

Bài 10: Lá dâu tươi 20g, thịt trai sông 50g thái nhỏ, nấm hương 20g, hành củ khô 2 củ, gạo tẻ 100g. Nấu cháo ăn hàng ngày có tác dụng hạ huyết áp tốt. 

Bài 11:  Ăn 1.5 – 2 quả chuối một ngày sẽ có ích cho hệ tim mạch vì chuối là nguồn thực phẩm giàu kali, hàm lượng kali trong 1,5 đến 2 quả chuối có thể giảm chỉ số huyết áp từ 2-3 mgHg. Kali  tăng cường chức năng thận giúp đẩy natri ra khỏi cơ thể. Kali cũng giúp thành động mạch vận hành dễ dàng. 

Bài 12:  Cải bó xôi – Một nghiên cứu của Thụy Điển cho thấy thành phần nitrat trong cải bó xôi có tác dụng giảm huyết áp.

 Chú ý: - Khi có cơn cao huyết áp, cần nghỉ ngơi, làm việc nhẹ, tránh hoạt động thần kinh căng thẳng.

  •  Không nên dùng các loại thức uống có tính kích thích như rượu, bia, cà phê, chè đặc…
  •  Ăn hạn chế muối, mỡ và chất ngọt.
  • Khi nằm nên gối cao đầu và cao chân.

Lương y Hoàng Duy Tân (nguyên Phó chủ tịch Hội Đông y Đồng Nai)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top