Không biết huyết áp cao

(khoahocdoisong.vn) - Cao huyết áp được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng” vì bệnh thường không có triệu chứng, người bệnh được chẩn đoán tình cờ khi đi kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc sau khi xảy ra một biến cố đối với sức khỏe.

Trời nóng, ông Vi Văn Tiến (Hoài Đức, Hà Nội) đi chơi nhà bạn về, vừa dựng xe đạp trước cửa đã thấy chóng mặt, buồn nôn, chảy máu cam. Người nhà đưa ông vào chỗ mát mẻ nằm nghỉ và uống cốc nước, một lúc sau thì đỡ.

Bên cạnh nhà ông Tiến có một bác sĩ nghỉ hưu thấy tình trạng của ông như vậy thì mang máy sang đo huyết áp, không ngờ huyết áp của ông Tiến cao (160/100mmHg) mà bấy lâu nay không ai hay biết.

Lời bàn: GS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cho biết, cao huyết áp được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng” vì bệnh thường không có triệu chứng, người bệnh được chẩn đoán tình cờ khi đi kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc sau khi xảy ra một biến cố đối với sức khỏe.

Cao huyết áp thường không có bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào, đến khi bệnh nặng có thể dẫn đến chảy máu cam, đau đầu hoặc chóng mặt. Cao huyết áp nếu không theo dõi sớm có thể gây ra nhiều biến chứng như suy tim, phình bóc tách động mạch, suy thận, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, các mạch máu trong mắt vỡ hoặc chảy máu, gây mù lòa.

Người cao tuổi có nguy cơ cao huyết áp nếu trong gia đình có cha mẹ hoặc anh chị em mắc cao huyết áp thì nguy cơ mắc bệnh càng cao. Những người lớn tuổi mà thừa cân, không tập thể dục thường xuyên, chế độ ăn uống không lành mạnh, ăn mặn, uống rượu, bia, hút thuốc lá, hay bị căng thẳng cần đi khám để tầm soát bệnh. Vào những hôm trời nắng nóng, nếu không cần thiết không nên ra đường để tránh say nắng và huyết áp tăng.

Theo Đời sống
back to top