Thai phụ bị rách tử cung từ vết mổ cũ: 4 mốc khám thai quan trọng

Thực hiện siêu âm định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm các bất thường ở trẻ, từ đó đưa ra hướng xử lý kịp thời. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết khi nào nên đi siêu âm.
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Siêu âm định kỳ là cách tốt nhất để ghi lại hình ảnh của thai nhi ở trong bụng mẹ. Nhờ vậy, bố mẹ không chỉ được ngắm nhìn hình ảnh của con yêu mà còn biết được những vấn đề xung quanh sức khỏe của bé. Đặc biệt là bố mẹ sẽ biết được con mình có mắc phải các dị tật bẩm sinh hay không.

Chia sẻ trên Tri thức trực tuyến, bác sĩ CKII Nguyễn Xuân Chường, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho biết rất nhiều nghiên cứu và tài liệu được thế giới công bố chứng minh siêu âm hoàn toàn không có hại cho mẹ và thai nhi.

Bản chất của sóng siêu âm chỉ là sóng âm ở tần số cao mà tai người không nghe thấy được. Do đó, chúng không gây bức xạ và ảnh hưởng thính giác, sinh học.

Đặc biệt, với những trường hợp thai chậm tăng trưởng, suy thai hoặc cấp cứu sản khoa, việc siêu âm diễn ra với mật độ cao hơn bình thường (hàng ngày, hàng giờ).

Do đó, mẹ bầu có thể hoàn toàn yên tâm. Siêu âm thai là kỹ thuật không hề gây hại mà còn mang đến nhiều lợi ích trong thăm khám, chẩn đoán cũng như tiên lượng sức khỏe của mẹ và bé.

Một số mốc siêu âm thai phụ cần nhớ:

Giai đoạn 4-8 tuần: Lần gặp gỡ đầu tiên - nghe từng nhịp đập tim con

Đây là cột mốc siêu âm thai đầu tiên mà mẹ bầu cần thực hiện. Tại mốc này, siêu âm đầu dò âm đạo được khuyến cáo sử dụng nhằm mục đích:

Xác định có thai, số lượng thai.

Kiểm tra vị trí làm tổ của thai, kiểm tra phôi và tim thai.

Ước tính tuổi thai và dự sinh.

Phát hiện các biến chứng sớm của thai kỳ.

Kiểm tra tử cung, buồng trứng phát hiện các bệnh lý và nguy cơ đi kèm.

Giai đoạn 11-14 tuần: Kiểm tra dị tật thai nhi

Thời điểm này, thai nhi đã có đủ hình hài và các bộ phận, những bất thường lớn có thể nhìn thấy. Mục đích của việc siêu âm là chẩn đoán tuổi thai và dự kiến sinh cho thai phụ.

Ngoài ra, thai nhi còn được đo độ mờ da gáy để sàng lọc nguy cơ mắc các bất thường nhiễm sắc thể như hội chứng Down, Patau, Edward.

Thai phụ cũng được chẩn đoán số lượng thai, bánh rau và buồng ối đối với người mang đa thai, nguy cơ tiền sản giật.

Giai đoạn 18-22 tuần: theo sát sự phát triển của con

Vào 18 - 22 tuần, lượng nước ối có nhiều, thai đã khá lớn và di động rất tốt trong buồng tử cung. Điều này giúp cho việc quan sát thai khá tốt ở nhiều góc độ khác nhau nên dễ dàng phát hiện bất thường về hình thái thai nhi", bác sĩ Chường nói.

Lúc này, thai phụ sẽ được thực hiện siêu âm 4-5D kiểm tra chi tiết các bộ phận trên cơ thể của thai nhi. Các bác sĩ sẽ kiểm tra:

Kiểm tra tứ chi về độ dài và số lượng xem có gì bất thường hay không.

Khảo sát các dị tật về não bộ và cột sống.

Tình trạng của các cơ quan nội tạng khác như tim, phổi, dạ dày để đánh giá dị tật tim thai, dịch bất thường trong khoang màng phổi, ổ bụng…

Đánh giá dị tật về mặt của thai nhi xem có bị sứt môi, hở hàm ếch, đầy đủ hai tai hay không.

Sự bất thường về bánh nhau, nước ối.

Giai đoạn 30-32 tuần: Kiểm tra ngôi thai

Nhằm đánh giá sự phát triển thai và phát hiện các dị tật xuất hiện muộn. Thai phát triển bình thường, nhỏ hoặc lớn được xác định ở lần siêu âm này.

Theo bác sĩ Chường, bên cạnh việc siêu âm hình thái các cơ quan bộ phận như lần siêu âm mốc 18-22 tuần, lần siêu âm này còn phát hiện dị tật xuất hiện muộn như nhẵn não, tắc ruột… Vị trí bánh nhau cũng sẽ được chẩn đoán chắc chắn hơn. Bác sĩ sẽ xác định rau có bám thấp, che lấp đường ra của thai nhi hay không.

Khi gần sinh, thai phụ cũng có thể có thêm một lần siêu âm để xác định kích thước thai, mức độ trưởng thành của bánh nhau và lượng nước ối.

Ngoài ra, trong quá trình mang thai, nếu mẹ bầu thấy điểm bất thường có thể đi khám và siêu âm để bác sĩ phát hiện, xử trí kịp thời.

Tại sao cần phải siêu âm thai?

Siêu âm giúp bác sĩ xác định bạn đang mang thai bao nhiêu tuần, giúp đưa ra ngày dự sinh, sự phát triển đến thời điểm hiện tại của thai nhi, hình thái học thai nhi,… Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu thai phụ siêu âm nhiều lần để theo dõi khi có các bệnh lý mà thai nhi hay mẹ bầu mắc phải.

1. Tầm soát dị tật bẩm sinh

Những rối loạn về nhiễm sắc thể là nguyên nhân gây những dị tật bẩm sinh cho thai nhi như hội chứng Down, hội chứng Edwards, hội chứng Patau, hội chứng Turner, hội chứng tam bội thể… Tùy vào bệnh lý mắc phải mà mỗi thời điểm siêu âm sẽ phát hiện được các dị tật thai nhi.

2. Kiểm tra các biến chứng thai kỳ

Xuất huyết bất thường tử cung – âm đạo

Thai ngoài tử cung

Thai ngừng tiến triển

Sót nhau – thai

Các biến chứng trong song thai một bánh nhau.

Theo Đời sống
back to top