Bà Nguyễn Thị Hương , 67 tuổi (Hà Nội) không hiểu làm sao vì mình rất tích cực luyện tập nhưng chân lại bị cứng, đau nhức, có biểu hiện teo và rất khó di chuyển. Đi khám bác sĩ hỏi chuyện bà kể, bà biết mình bị thoái hóa khớp. Thời tiết lạnh khiến bệnh của bà lại càng đau tăng. Bà quyết tâm không để bệnh cứ ngày một nặng, nên ngày nào bà cũng cố gắng đi bộ hai lần vào buổi sáng và chiều tối. Có ngày bà đi được 4 – 5 km.
Lời bàn: Người già đa phần bị thoái hóa khớp, song không biết cứ vận động cho mau khỏe, nào ngờ bệnh ngày càng đau, thậm chí có người còn bị cứng khớp và teo cơ, mất khả năng vận động... Nguyên nhân là do khớp gối đã bị lão hóa, các lớp sụn khớp bị hư hỏng, trục xương cong vào trong.
Càng đi nhiều sẽ càng làm khớp hư thêm. Lý do là khi đi đứng, sẽ tạo một sức đè ép lên các mặt sụn khớp đã bị thoái hóa. Lớp sụn đó có tác dụng hấp thu lực đè ép. Nay tác dụng này giảm đi hoặc không còn nên sẽ tạo những sang chấn trên hai đầu xương, gây ra hiện tượng viêm khớp. Từ đó dẫn đến cơn đau khớp khi bệnh nhân đứng hay đi.
Vì thế, khi có biểu hiện đang viêm, đang sưng, đang đau, phải hạn chế đi lại chỉ vận động nhẹ nhàng khi không có biểu hiện sưng, đau. Mỗi sáng ngủ dậy nằm nguyên trên giường xoa bóp khớp 5 – 10 phút, rồi đi bộ nhẹ nhàng 20 – 30 phút. Hạn chế nên xuống cầu thang, đứng lên ngồi xuống đột ngột hoặc xoay vặn cột sống quá nhiều... sẽ có hại cho khớp. Khi có các biểu hiệu bất thường, cần đi khám chuyên khoa.
PGS. TS Võ Tường Kha (Bệnh viện Thể dục thể thao Việt Nam)