Bà Phan Thị M. (sinh năm 1957, Thanh Thủy, Phú Thọ) có mộng mắt từ nhỏ nhưng vì sợ đau không đi khám. Gần đây, mắt không nhìn được, người nhà giục bà mới đi khám. Kết quả thị lực mắt trái 2/10, mộng mắt bên phải đã bò qua đồng tử, che kín hết lỗ đồng tử. Người bệnh có chỉ định phẫu thuật cắt mộng, ghép kết mạc rìa tự thân. Sau phẫu thuật 1 ngày, người bệnh nhìn tốt, không đau.
Mộng mắt che gần hết đồng tử mắt. |
Lời bàn: BSCKI Hà Thị Dung, Khoa Liên chuyên khoa Mắt – Tai mũi họng – Răng hàm mặt cho biết, mộng mắt dân gian còn gọi là mộng thịt là bệnh phổ biến, lành tính, tiến triển chậm. Mộng mắt phát triển, làm ảnh hưởng đến thị lực và gây nên loạn thị. Nếu không được điều trị có thể gây ra những biến chứng như: viêm loét giác mạc, dính mi cầu và có thể dẫn đến mù loà.
Khi mộng mắt to cần phải phẫu thuật để tránh ảnh hưởng tới thị lực. |
Biểu hiện của mộng mắt là tình trạng một màng trắng bao phủ giác mạc. Đây thực chất là một khối u, có hình dạng màu hồng, hơi u lên, thường xuất phát từ góc bên phải mắt và có xu hướng lây lan che phủ giác mạc.
Bệnh không điều trị khỏi bằng thuốc. Trước đây nhiều người tự chữa bằng cách dùng búp tre, lông ngỗng hoặc thuốc bột của thầy lang "đánh" mộng. Bệnh không khỏi mà còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm loét giác mạc, thậm chí củng mạc…
Vì vậy, người dân khi phát hiện những dấu hiệu bất thường về mắt hoặc có mộng mắt nên đến Bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa Mắt thăm khám và tư vấn biện pháp điều trị hợp lý.