Suy thận vì ăn 1 quả đào - Cảnh báo về ngộ độc thực phẩm

(khoahocdoisong.vn) - Chỉ ăn một quả đào mà bà Nguyễn Thị T. (64 tuổi) phải đến cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng sốc, tụt huyết áp và suy thận.

Ngộ độc hóa chất tăng nhưng khó xét nghiệm

Bà T. cho biết, bà mua đào từ gánh hàng rong, sau khi ăn được 30 phút thì bị đau bụng, nôn, tiêu chảy liên tục và dẫn đến mất nước trầm trọng. Người nhà đưa bà T. đến viện gần nhà nhưng do bệnh cảnh quá nặng, bênh nhân có biểu hiện sốc, tụt huyết áp và suy thận nên được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, căn nguyên ngộ độc của bệnh nhân T. chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, dựa trên bệnh cảnh của người bệnh, có thể do một trong hai nguyên nhân: Thứ nhất, nghi ngờ do hóa chất bảo quản. Có quá nhiều loại hóa chất hiện nay có thể bị tùy tiện sử dụng. Thứ hai, có thể do độc tố vi khuẩn trong trái đào (nguyên nhân này ít căn cứ hơn). Sau vài ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân T. đã cải thiện tốt.

Theo TS.BS Trung Nguyên, ngộ độc thực phẩm có rất nhiều nguyên nhân và rải rác tất cả các mùa trong năm. Tuy nhiên, bệnh tập trung chủ yếu vào giai đoạn nắng nóng, mùa xuân sang hè. Nguyên nhân gây ngộ độc có thể do vi sinh vật, do hóa chất, do độc tố tự nhiên, đặc biệt là do vi sinh vật chiếm nhiều nhất.

Tình trạng ngộ độc thực phẩm do hóa chất có nguy cơ tăng và phức tạp dần lên do ngày càng có nhiều loại hóa chất và chúng ta còn gặp nhiều vấn đề về kiểm soát trước khi thực phẩm đến bàn ăn. Người dân ăn rồi bị ngộ độc phải đi bệnh viện cấp cứu thì bác sĩ chẩn đoán cũng gặp khó khăn do việc xét nhiệm độc chất cần các máy móc chuyên dụng mà các bệnh viện lại không có (thường các máy móc này chỉ được bố trí ở các cơ sở kiểm định, viện nghiên cứu, pháp y).

Suy thận vì ăn 1 quả đào - Cảnh báo về ngộ độc thực phẩm ảnh 1

Dấu hiệu nhận biết và cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm

Biểu hiện ngộ độc thực phẩm có các triệu chứng điển hình như: Sau ăn uống, xuất hiện nôn, đau bụng, tiêu chảy, nếu điển hình thì sẽ có từ hai người trở lên cùng bị bệnh tương tự sau khi cùng ăn, uống một loại thực phẩm nghi ngờ.

Người dân, kể cả nhân viên y tế cũng cần phát hiện ra các trường hợp nặng, phức tạp nếu có các biểu hiện sau: Có các biểu tiêu hóa hoặc nhiễm trùng ở mức độ nặng (nôn, tiêu chảy liên tục nhiều lần, đau bụng dữ dội liên tục, sốt cao 39 độ C…); Có thêm các dấu hiệu ở các cơ quan không phải tiêu hóa như thần kinh (ví dụ thấy rối loạn cảm giác, tê bì, yếu liệt, co giật, lơ mơ, bất tỉnh…) hoặc tim mạch (mạch nhanh quá, chậm quá, mạch không đều, huyết áp tụt) hoặc hô hấp (khó thở)...

Khi có các dấu hiệu nặng cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu. Còn nếu chỉ có các triệu chứng tiêu hóa và bệnh nhân có thể uống được nước thì nên cho bệnh nhân uống dung dịch oresol (uống thay nước, cho hết khát và uống tiếp chừng nào còn tiêu chảy) hoặc nước khoáng, nước rau luộc pha muối…

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, người dân cần chú ý tuân thủ các hướng dẫn về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để phòng tránh ngộ độc, người dân cần ăn chín, uống sôi; chọn thực phẩm tươi sống hoặc đông lạnh đúng yêu cầu, cần nhớ nguyên tắc tách riêng thực phẩm sống và chín, kể cả các dụng cụ chế biến, chứa đựng; rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Cố gắng tính toán nấu xong ăn hết, nếu còn thừa thì đun lại ngay sau ăn (vì khi ăn có lẫn thêm các vi khuẩn từ ngoài vào, việc này người dân ta không ai biết), để nguội nhanh và sau đó bảo quản lạnh. Tuyệt đối không nên ăn sống, đặc biệt thịt, cá sống, gỏi, hải sản sống, tiết canh....

Cần lưu ý, điều kiện trời nóng như hiện nay thì thực phẩm rất dễ ôi thiu. Qua nghiên cứu, các thực phẩm nhanh bị ôi thiu và dễ gây ngộ độc do vi khuẩn là các thực phẩm có nguồn gốc từ thịt, cá, trứng, sữa, giàu chất đạm, nhất là lại chế biến qua nhiều khâu, như tiết canh, lòng lợn, hải sản, canh cua, đậu phụ, patê, các thức ăn giàu chất đạm nhưng chứa nhiều nước (dạng nhão hoặc lỏng)…

Với ngộ độc thực phẩm do các hóa chất thì khó phân biệt, người dân chủ yếu trông chờ vào sự quản lý của các cơ quan chức năng. Người dân chỉ có thể chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tốt nhất là các sản phẩm có đăng ký và việc mua bán cần ở các chỗ có đăng ký kinh doanh. 

Với ngộ độc thực phẩm do các độc tố tự nhiên như cá nóc, sắn, măng,…thì người dân chỉ cần tránh ăn các thực phẩm được biết đã có độc tố. Người dân cũng nên cẩn thận và tỉnh táo với các thực phẩm được coi là “đặc sản”, “độc” (độc đáo), “lạ” và hiếm…rất dễ không an toàn. 

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top