Tiền Giang: Không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong trường mầm non

(khoahocdoisong.vn) - Tiền Giang hiện có 188 trường mầm non, mẫu giáo với tổng số nhóm, lớp ăn bán trú là 1.375/ 1.799 nhóm, lớp, chiếm tỷ lệ 77%. Tổng số bếp ăn là 181 bếp và số trẻ ăn bán trú tại trường là 48.787 trẻ/62.808 trẻ, chiếm tỷ lệ 77,6%.
Không để xảy ra ngộ độc trong trường mầm non

Không để xảy ra ngộ độc trong trường mầm non

Tăng cường quản lý bếp ăn tập thể

Một trong những vấn đề được quan tâm trong các trường mầm non chính là quản lý bếp ăn tập thể, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm liên quan đến nhiều khâu, từ khâu sản xuất đến khâu tiêu dùng, đòi hỏi sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được đặc biệt coi trọng đối với các cơ sở mầm non, nơi tập trung đông trẻ.

Sở GD&ĐT tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm một cách hiệu quả, đảm bảo sức khỏe cho các cháu. Mỗi đơn vị trường học đều xây dựng kế hoạch đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, coi đây là nhiệm vụ chủ yếu quan trọng của nhà trường. Qua đó, Ban Giám hiệu các trường tăng cường biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, theo dõi và quản lý tốt sức khỏe trẻ em, học sinh, nhà giáo cũng như cán bộ, nhân viên nhà trường.

Đặc biệt, quan tâm đến việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành về các biện pháp tích cực phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong nhà trường vừa chủ động bảo vệ sức khỏe cho mình và cộng đồng. Hàng năm, Sở GD&ĐT còn phối hợp với các ngành hữu quan tổ chức các lớp về phòng chống dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm,...

Thường xuyên bồi dưỡng cập nhật những kiến thức về dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm, các yêu cầu về Quy chế nuôi dạy trẻ đến đội ngũ cấp dưỡng và giáo viên, phổ biến 10 lời khuyên về dinh dưỡng hợp lý, về kiến thức nấu ăn đảm bảo dinh dưỡng và an toàn thực phẩm...

Tiền Giang cũng đưa nội dung giáo dục vệ sinh an toàn thực phẩm vào dạy tích hợp lồng ghép trong các chương trình học chính khóa và ngoại khóa. Nội dung tích hợp vào các hoạt động hàng ngày và tích hợp theo từng chủ đề. Nhờ vậy, góp phần hình thành thói quen tốt ở trẻ em về vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, giúp phụ huynh có ý thức cao trong việc chọn mua thực phẩm cho con... Các nội dung này còn được tổ chức kiểm tra, đưa vào tiêu chuẩn thi đua trong trường mầm non và trường phổ thông.

Cải tạo bếp ăn hợp vệ sinh

Công tác đầu tư về cơ sở vật chất phục vụ công tác bán trú tại các đơn vị trường học cũng được chú trọng. Các cơ sở giáo dục có tổ chức bán trú đều có kế hoạch bổ sung, thay thế và nâng cấp cơ sở vật chất, trang bị đồ dùng, phương tiện phục vụ việc tổ chức ăn cho học sinh được tốt hơn, như: Cải tạo, nâng cấp bếp ăn hợp vệ sinh, đúng quy cách hoặc đầu tư trang bị những thiết bị hiện đại: Máy hấp cơm, máy sấy chén, máy rửa thực phẩm...

Các trường phải có hợp đồng mua bán thực phẩm an toàn, không mua các thực phẩm đã được làm sẵn, chế biến sẵn khi không kiểm soát được chất lượng, nguyên liệu và chất phụ gia có trong thực phẩm; yêu cầu các giáo viên, nhân viên phục vụ bán trú khám sức khỏe định kỳ tại các cơ sở y tế và tham dự các lớp tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm do ngành chức năng tổ chức...

Ngành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc và cấp giấy phép đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, không để xảy ra dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm, các tai nạn thương tích trong các cơ sở giáo dục mầm non; thường xuyên phối hợp cùng Ban Đại diện Hội cha mẹ học sinh tiến hành kiểm tra thường xuyên bếp ăn từ khâu giao, nhận thực phẩm đến tổ chức các bữa ăn hàng ngày.

Theo Đời sống
back to top