Suy đa tạng vì chất cấm phenformin trong thuốc Nam chữa đái tháo đường

(khoahocdoisong.vn) - Chỉ nhập viện muộn thêm 5 phút nam bệnh nhân 63 tuổi có thể ngừng tim do tự dùng viên hoàn trị đái tháo đường có chứa chất cấm.

Tụt huyết áp, suy đa tạng và nguy cơ ngừng tim

Bệnh nhân N.Đ.D. (nam, 63 tuổi, Sóc Sơn, Hà Nội) được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư (Hà Nội) ngày 15/3 trong tình trạng vật vã, kích thích, tụt huyết áp. Các chỉ số cho thấy bệnh nhân suy đa tạng, suy thận, toan chuyển hóa và toan lactic rất nặng, mạch rời rạc và chuẩn bị ngừng tim.

Vợ bệnh nhân cho biết, ông có tiền sử tiểu đường 20 năm, cao huyết áp và viêm phổi. Nghe mách bảo, gần đây ông tự ý sử dụng 2 loại thuốc dạng bột và viên hoàn được bọc trong túi không nhãn mác.

BS Nguyễn Viết Nam, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch, chỉ chậm ít phút (khoảng 5 phút) là có thể không cứu được. Ngay sau đó, ê kíp bác sĩ Khoa Cấp cứu đã tiến hành cấp cứu, đặt ống nội khí quản, cho bệnh nhân điều trị truyền thuốc vận mạch, bù dịch và lọc máu. Sau 3 ngày tiến hành lọc máu, xu hướng huyết động của bệnh nhân cũng cải thiện hơn, hiện bệnh nhân đã cắt được thuốc vận mạch, dừng lọc máu, các toan chuyển hóa, toan lactic đã cơ bản ổn định.

Ông N.Đ.D., 63 tuổi, trú tại Hà Nội cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư.

Ông N.Đ.D., 63 tuổi, trú tại Hà Nội cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư. 

Kết quả mẫu thuốc xét nghiệm mẫu thuốc của Viện Pháp y cho thấy, 1 loại thuốc là paracetamol, 1 loại là phenformin - thuốc điều trị tiểu đường đã bị cấm từ lâu.

Theo BS Nguyễn Viết Nam, thông thường ngộ độc do phenformin sẽ gây tỷ lệ tử vong rất cao, từ 50 - 60% trở lên. Thuốc này ngoài gây tụt đường huyết còn gây tác dụng phụ toan lactic, suy thận rất nặng.

ThS.BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, Trưởng khoa Cấp cứu cho biết, thành phần phenformin trong thuốc bệnh nhân đã uống từng được ghi nhận gây nhiều trường hợp ngộ độc và tử vong trên thế giới. Do vậy, chất này đã bị cấm sử dụng từ những năm 1970 và được thay thế bằng nhiều loại thuốc điều trị tiểu đường khác an toàn hơn. Tuy ở  Việt Nam không cho phép lưu hành dược chất này, nhưng nhiều gian thương vẫn bán chui lủi dưới dạng viên tễ không rõ hàm lượng và quảng cáo có thể điều trị khỏi dứt điểm bệnh tiểu đường nên một số người nhẹ dạ đã mua uống, gây ngộ độc.

Mẫu thuốc Nam mà bệnh nhân đã uống.

Mẫu thuốc Nam mà bệnh nhân đã uống.

Tháng 10/2020, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cấp cứu cho bệnh nhân 56 tuổi, nhập viện trong tình trạng nguy kịch do ngộ độc chất cấm phenformin vì uống thuốc Nam khoảng 4 viên một ngày. Viên thuốc có dạng hình cầu màu vàng nâu, đường kính khoảng 1cm.

Trung tâm Quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc cũng đã ghi nhận 1 bệnh nhân nhiễm toan lactic, sau đó dẫn đến sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng và tử vong do dùng thực phẩm chức năng Tiểu đường hoàn có chứa phenformin.

Tự ý bỏ thuốc cấp cứu nặng nề

BSCKI Nguyễn Công Bình, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nội tiết T.Ư cho biết, trong thời gian qua, bệnh viện đã cấp cứu cho rất nhiều bệnh nhân nghe theo quảng cáo về loại thuốc kiểm soát được đường huyết cấp tốc, những người bệnh này đã tin tưởng bỏ thuốc tiểu đường đang điều trị để mua và uống, dẫn đến tình trạng suy kiệt cơ thể, đường huyết tăng cao phải nhập viện cấp cứu. Nhiều bệnh nhân khi đưa vào cấp cứu đã trong tình trạng rất nặng, nguy hiểm tính mạng: phù toàn thân, suy hô hấp, hoa mắt chóng mặt đau tức ngực. tràn dịch đa màng, màng tim, màng phổi, màng bụng...

Theo BSCKI Nguyễn Công Bình, đối với những bệnh nhân đái tháo đường đã được chẩn đoán và điều trị nhưng tự ý bỏ thuốc thì khi vào cấp cứu thường đã rất nặng nề như suy thận, suy gan, biến chứng tim mạch dẫn tới nguy cơ tử vong cao. Trong quá trình điều trị, kíp trực thường phải tiếp cận nhanh để hỗ trợ chức năng gan, thận, bù điện giải, đặc biệt có bệnh nhân phải tiến hành lọc máu để phục hồi bởi nguy cơ biến chứng tăng đe dọa tới tính mạng.

Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo người bệnh đái tháo đường khi sử dụng thuốc cần chú ý: Sử dụng thuốc theo tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa; Không tự ý ngưng sử dụng thuốc; Nên thường xuyên kiểm tra đường huyết; Tái khám khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường; Không sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top