81 tuổi, bà Sinh vẫn tự may áo cho mình.
Mẹ là nhất
Ngày 22/4 vừa rồi, CLB sức khỏe ngoài trời trung tâm quận Hoàn Kiếm tổ chức kỷ niệm 42 năm ngày thành lập. Bà Nguyễn Thị Minh Sinh là một trong số những người đã tham gia CLB ngay từ những ngày đầu.
Khi còn đang công tác tại Trường THCS Hoàn Kiếm (Hà Nội) bà Sinh đã tham gia CLB sức khỏe ngoài trời bởi bà thấy tập luyện rất cần thiết để giữ gìn sức khỏe. Thế là từ đó đến nay, 42 năm, bà vẫn tập đều. Trước đây tập xong thì còn phải đi làm. Từ khi nghỉ hưu, có nhiều thời gian hơn, sáng 6h15 bà ra sân, tập từ 6 rưỡi đến 7 rưỡi, sau đó ngồi trò chuyện với bạn bè, cùng nhau đi ăn sáng đến 8 rưỡi…
Không chỉ là nơi tập luyện thể thao, CLB còn là nơi để các cụ giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm sống vui sống khỏe, kinh nghiệm phòng chữa bệnh, những niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống…
Một tuần bà Sinh còn dành 2 buổi để lên chùa nghe kinh Phật và ngồi thiền. Cũng chính vì tập thường xuyên và ngồi thiền mà dù có bệnh tiểu đường đã 20 năm nay, bà vẫn giữ được sức khỏe.
Không thể tin người phụ nữ ấy đã 81 tuổi. Bà Sinh kể, mặc dù bố mất sớm, nhà chỉ có hai mẹ con, nhưng mẹ bà là người vô cùng tháo vát, làm ăn buôn bán giỏi nên bà được cưng chiều.
Đến khi lớn lên, lấy chồng, vừa làm giáo viên ở trường THCS Hoàn Kiếm nhà lại vừa có cửa hàng trên phố Hàng Gai nên kinh tế cũng không vất vả lắm. Đến bây giờ về già lại vẫn sướng. Sướng vì các con hiếu thảo và chiều mẹ. Đi công tác hay đi chơi đâu, thấy đồ đẹp là lại mua về cho mẹ. Anh con cả còn dặn vợ: Mẹ là nhất, không được cãi mẹ. Có gì không bằng lòng thì để sau nói.
Thực ra, con dâu cũng rất ngoan ngoãn, đảm đang nên bà chẳng có gì phải phàn nàn. Nhưng con nói thế bà cũng mừng vì chứng tỏ con rất quý trọng mình.
Còn anh thứ hai là bác sĩ, chăm lo mọi việc thuốc thang, bệnh tật cho bố mẹ nên bà rất yên tâm. Được như thế là vì từ bé ông bà đã dạy con rất nghiêm. Mọi việc trong nhà giờ bà giao hết cho con dâu, từ việc chợ búa, cơm nước, quản lý nhà cửa… Công việc chính của bà bây giờ là làm những gì mình thích và lo giữ gìn sức khỏe.
Nghe kinh Phật cho đầu nhẹ nhõm
Căn phòng của bà trên tầng hai nhỏ xíu, đến cái giường cũng nhỏ, cái tủ gỗ cũ kỹ, những bức ảnh treo kín tường và đặc biệt có một chiếc máy khâu cổ mà đến giờ bà vẫn dùng để tự may đồ cho mình. Bà bảo, ngày xưa bà cụ nghiêm lắm, con gái là cụ bắt phải học may vá thêu thùa ở mãi tít trường nữ công dưới phố Bà Triệu.
Có bệnh tiểu đường đã 20 năm, nên việc ăn uống của bà rất đơn giản. Có bữa chỉ là bát canh khoai sọ nấu xương, hay bát bún, miến… Phần lớn thời gian bà dành để nghe kinh Phật, tụng kinh và ngồi thiền.
Cạnh phòng bà là gian phòng thờ với ban thờ gia tiên và một ban thờ Phật. Đi tập về là bà lên phòng nghe kinh, kể cả lúc ngồi máy khâu cũng vẫn nghe kinh. Từ hồi còn bé học tiểu học, mỗi tháng đôi lần cô giáo lại đưa sang chùa Hòe Nhai cho nghe các sư giảng và ăn cơm chay. Từ đấy bà đã rất thích nghe kinh Phật, có cái gì đó rất thiêng liêng nhưng lại gần gũi.
Sau này bận rộn gia đình, bận nhiều việc nên không theo được. Nhưng từ khi nghỉ hưu, có thời gian mới lại đến chùa. Nghe các thày giảng về đối nhân xử thế, cách cư xử với nhau, dạy người ta làm những điều thiện, tránh điều ác… rất bổ ích. Có thày giảng rất hay và dễ hiểu.
Tất cả những điều đó mình có thể thực hành ngay trong cuộc sống hàng ngày. Ví dụ như khi bực mình, sắp nổi cáu với ai đó, lại nhớ đến lời Phật dạy, kìm lại được. Nghe kinh thấy đầu óc nhẹ nhõm
Tuệ Minh