Hình minh họa.
Giữa những người ốm đau trong Trung tâm bảo trợ xã hội, tôi để ý đến bà bởi dáng người khoẻ mạnh, ăn mặc chỉn chu hơn những người khác. Bà kể, nhà bà dưới Quảng Ninh, bà sống cùng gia đình người con trai út.
Một lần lên Hà Nội ăn giỗ, đi lang thang ở bến xe thì bị đội trật tự bắt đưa lên đây. Bà ở đây được 3 tháng rồi. Tuần sau là sẽ được về nhà.
Nghe kể tôi cứ ngạc nhiên mãi, sao lại có cảnh oái oăm đến thế, có nhà cửa đàng hoàng mà tự dưng lại bị đưa vào đây.
Khi đem thắc mắc hỏi anh cán bộ của Trung tâm mới biết, vì không sống được với gia đình cậu con trai nên bà bỏ lên Hà Nội lang thang.
Sắp hết thời hạn 3 tháng, phải đưa trả về địa phương, nhưng bà còn đang muốn xin ở lại. Mà khéo có đưa về nhà thì rồi vài bữa không sống được lại bỏ đi lang thang nữa mất thôi.
Hoá ra là bà đã nói dối. Tôi chả giận gì bà cả, những chuyện đau lòng như thế trong gia đình ai muốn kể ra làm gì. Chẳng ai muốn vạch áo cho người xem lưng. Chỉ thấy xót xa quá!
Ngày xưa các cụ nói không sai, một mẹ nuôi được 10 con, nhưng 10 con có khi không nuôi nổi một mẹ.
Tuổi già chẳng ai muốn bởi đến cùng với nó là mắt kém, tai nặng, đi lại chậm chạp, là bệnh tật, ốm đau, khó tính, quên lẫn, là lẩm cẩm, cứ thích kể đi kể lại những chuyện ngày xưa… nhưng ai rồi cũng sẽ đến lúc già. Tránh làm sao được!
Còn có bao nhiêu bà mẹ như thế, có người chưa đến mức phải bỏ nhà ra đi nhưng đang phải chịu cảnh ghẻ lạnh của con cháu ngay trong chính ngôi nhà của mình.
Những trường hợp như thế bao giờ người ta cũng trách cứ những người con bất hiếu. Mà đúng là bất hiếu thật! Nhưng nói gì thì nói, tiên trách kỷ hậu trách nhân. Phải tự trách mình trước đã.
Trách mình đã không dạy bảo con cái đến nơi đến chốn, không dạy con sống có đạo lý, sống có nghĩa có tình.
Tôi cũng đã gặp rất nhiều người cao tuổi được con cháu thương yêu, tuy tuổi cao sức yếu nhưng họ vẫn như chỗ dựa, là rường cột, là trung tâm trong gia đình. Khi ốm đau bệnh tật họ được con cháu chăm sóc hết lòng. Hạnh phúc đó không tự nhiên mà có.
Để có được điều đó chắc chắn những người cha người mẹ đó đã phải sống gương mẫu, đã biết dạy dỗ con thành những người con hiếu thảo.
Nước mắt thì cứ chảy xuôi thôi. Vì vậy hãy biết chuẩn bị cho tuổi già của mình bằng việc xây dựng một tổ ấm gia đình hạnh phúc, nơi mọi người biết quan tâm đến nhau, thương yêu nhau, nơi người già được yêu thương, kính trọng.
Minh Anh